Thursday, March 19, 2009

Từ chuyện ngôn ngữ cho đến góc nhìn

Hôm nay đọc một bài viết trên blog của Apo, một lần nữa về vấn đề sử dụng ngộn ngữ Anh/Việt trong giao tiếp ngày nay. Bài viết tựa đề Tản mạn về chuyện ngôn ngữ có đoạn:


Dạo gần đây trong giới trẻ sống ở ngay trong nước, cũng xuất hiện một số thành phần “ba rọi”, đó là từ tôi dùng cho những người nói một câu thì pha tiếng Anh hết 3/4 câu. Ngay trên blog của tôi, cách đây không lâu có một bạn tên là Nguyễn Ngọc Phương vào trao đổi một số vấn đề về Marketing [...] Bạn ấy dùng rất nhiều “thật ngữ chuyên dụng” tiếng Anh, mà tôi có thể kết luận là những thuật ngữ là do bạn ấy tự “chế tác” ra và tự sử dụng, nó gây khó hiểu cho người không chuyên trong ngành đã đành, nhưng nó cũng làm cho người trong ngành không hiểu nốt. [...] Điều đó cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ “ba rọi” thường không mang đến sự nể trọng từ phía người nghe như các bạn thường nghĩ, mà ngược lại đa phần trường hợp nó mang đến sự khó chịu, vậy rõ ràng là nó hại nhiều hơn lợi.


Trước hết, tớ hoàn toàn đồng ý với cảm nhận của tác giả về những hệ quả không đáng có của việc sử dụng ngôn ngữ “ba rọi” mà người nói/viết hoàn toàn có thể tránh được. Tuy nhiên, tớ có một góc nhìn tương đối “rộng rãi” hơn về nguyên nhân và ý nghĩa của cách sử dụng ngôn ngữ như thế này. Nhân bài viết của Apo, tớ sẽ “mượn” những suy nghĩ đó trên để nêu lên suy nghĩ của mình về chủ đề này.



Muốn nói rõ thêm là việc tớ chỉ trích đề cập những điểm trong những bài viết của Apo hoàn toàn không có ý tập trung “phê phán” những suy nghĩ của Apo. Tớ đồng ý với phần lớn những cảm nhận của tác giả về vấn đề này (và những bài viết khác trên blog).


Quay lại bài viết của tác giả và phản hồi của bạn được để cập trong trích đoạn trên, có thể dễ dàng nhận thấy không có sự khác biệt mấy trong cách sử dụng từ ngữ. Những câu “thập cẩm” vẫn được chính tác giả sử dụng thường xuyên trong những trả lời của mình. Nếu như những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành như “Interactive Designer”1, “Viral Marketing”2 tương đối khó để dịch ra tiếng Việt là hoàn toàn có thể chấp nhận được để tránh việc đi vào giải thích dài dòng làm lệch nội dung chính3, hoặc như việc sử dụng những thuật ngữ vốn đã có cách diễn đạt tương ứng rõ nghĩa trong tiếng Việt - ví dụ như “Web Designer” (người thiết kế web) , “brand” (thương hiệu), “campaign” (chiến dịch),… - tuy không cần thiết vẫn có thể tạm chấp nhận được tuỳ theo ngữ cảnh mà nó xuất hiện, thì việc sử dụng những từ tiếng Anh như thế này thật khó để “biện hộ” theo cách nhìn của chính tác giả:


Apo lấy ví dụ là để tăng độ hiệu quả của SEO, nhất định người làm Online Marketing phải hiểu về cách thức hoạt động của các Search Engines bot. Kể cả khi người ấy có nhân viên chuyên lo về SEO thì vẫn phải nắm bao quát để ra quyết định trong việc optimize cho contentkeyword


Sẽ chẳng làm mất ý nghĩa của câu nếu viết lại câu trên một cách thuần Việt: “Kể cả khi người ấy có nhân viên chuyên lo về SEO thì vẫn phải nắm bao quát để ra quyết định trong việc tối ưu hóa cho nội dungtừ khóa“. Không phải tớ bênh vực cho bạn được đề cập trong bài viết (bản thân tớ cũng không thích phong cách viết của bạn này - thường có xu hướng viết phức tạp hơn ý mà bạn muốn đề cập đến), và tớ cũng không có ý phê phán tác giả bởi bản thân tớ khi nói ở bên này cũng thường xuyên sử dụng những câu “thập cẩm” như vậy - nhưng nêu ra như vậy để thấy một điều là sẽ thật khó để trông đợi từ phía những người tham gia nếu bản thân bạn đã thiết lập sẵn “môi trường” thảo luận như vậy. Mở rộng ra, sẽ thật khó để yêu cầu giới trẻ vốn đang bị tấn công bởi văn hóa quốc tế sử dụng ngôn ngữ thuần Việt khi mà môi trường xung quanh họ - từ quảng cáo cho đến báo chí - đều sử dụng “ngoại ngữ” một cách vô tội vạ như vậy. Khi mà những những người mê viết lách như chúng ta - vốn có thời gian để biên tập và đắn đo từng chữ - cũng sơ sót không biên tập lại nội dung thì làm sao có thể trách những người đang nói vốn càng có ít thời gian để chọn lựa từ ngữ?


Với suy nghĩ đó, tớ cho rằng chúng ta cần có cái nhìn “rộng rãi” hơn đối với người khác nhưng mặc khác nên khắt khe với chính bản thân mình. Nhân viết về chủ đề này, tớ nhớ lại một email của một bạn đọc NTV gửi cho tớ gần đây mà để lại ấn tượng cho tớ nhất là câu tái bút:


Trong bài Đi tìm cảm hứng và hình thành ý tưởng (phần 1) bạn có nói rằng “Trong bài viết, tớ sẽ giả định rằng các bạn đã có kiến thức về viết mã cho web cũng như đã sử dụng tương đối thành thạo một phần mềm đồ họa nào đó.“  Xin hỏi bạn nếu chuyên dùng để thiết kế web thì bạn recommend mình nên dùng phần mềm đồ họa nào ? và bạn vui lòng recommend cho mình vài tài liệu căn bản về kiến thức viết mã cho web luôn nhé (tiếng việt nhé vì mình không giỏi tiếng anh lắm), mình search Google ra nhiều quá nhưng lọc lại thì thấy những thứ bổ ích lại không được bao nhiêu cả :(


P/S : trong thư mình có sử dụng 1 vài từ tiếng Anh vì đang tập thói quen sử dụng tiếng Anh cho nhớ từ, nếu bạn thấy khó chịu thì cứ nói, lần sau mình sẽ dùng từ thuần Việt.


Điều thứ hai tớ muốn đề cập đến nhân những suy nghĩ của Apo trong bài viết là về cách nhìn và đánh giá con người qua ngôn ngữ mà họ sử dụng. Trong bài viết, tác giả có đề cập đến một bức thư của một Việt Kiều, xin phép được trích lại ở đây để tiện theo dõi:


Dear Hieu,


Co La Di Nam.  Nam co noi ve Hieu.  Ngay nao Hieu di uong ca phe ( Coffee ) voi Nam and Co duoc.? Hieu email cho co Biet.  Sorry if my Vietnam not good enough.


Co, Christina Bates


Theo tác giả bài viết, cách viết như trên thể hiện thái độ thiếu tôn trọng và phần nào xem thường của cô Việt Kiều trên. Ở đây tớ cho rằng tác giả đã phần nào quá “nhạy cảm” và thiếu sự “thông cảm” cần có đối với một người mà tác giả cũng biết là Việt Kiều (đặc biệt là với một người lớn tuổi và là dì của một người mà mình quen biết). Sẽ hoàn toàn hiểu được cảm giác này nếu bạn chưa từng ra nước ngoài, nhưng tớ tin rằng bản thân tác giả cũng từng có thời gian được học ở nước ngoài và có lẽ như tớ cũng đã gặp rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tiếng Việt cũng không thông mà tiếng Anh cũng chưa thạo để có thể hiểu và thông cảm, chưa kể đến việc những lỗi được ghi nhận trong thư một số vẫn gặp trong chính cách viết của tác giả ở bài viết trước như đã đề cập ở trên. Đứng từ góc nhìn công việc, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao tác giả từ chối hợp tác khi phía đối tác thể hiện sự thiếu cẩn thận và để ý ngay từ những lá thư nhờ giúp đở. Nhưng dù thừa nhận rằng không phải không có những trường hợp Việt Kiều có thái độ xem thường người trong nước, việc đánh giá một người chỉ qua một vài lời trong email có lẽ là hơi vội vàng.


Nếu như có một điều gì mà tớ học được nhiều nhất trong suốt thời gian ở bên này, đó là góc nhìn về những vấn đề xung quanh. Thay vì chỉ là đúng hoặc sai từ quan điểm của mình, tớ luôn để mở khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Góc nhìn của tớ về vấn đề ngôn ngữ và góc nhìn của Việt Kiều đối với người trong nước là một ví dụ. Khi sang đây tớ được gặp những người Việt Nam (theo cách gọi của chúng ta là “Việt Kiều”) mà tiếng Anh cũng chưa thông trong khi tiếng Việt cũng chẳng rành. Hiểu được lý do là phần lớn trong số họ qua đây lúc đã quá trễ và không được đào tạo bài bản về ngữ pháp tiếng Anh (văn nói của họ rất tốt) trong khi vốn tiếng Việt phần nào đã bị phai đi với thời gian (hoặc là bản thân họ cũng chưa từng được học một cách đầy đủ về tiếng Việt trong thời chiến) giúp tớ có một cái nhìn cảm thông hơn về vấn đề mà trước đây tớ luôn cho rằng họ bị “lai căng”. Quan điểm của họ về Việt Nam cũng có thể hiểu được khi mà rất nhiều trong số họ chưa từng về Việt Nam trong cả mấy chục năm và tất cả những gì họ biết và tiếp xúc chỉ là qua những sách báo tuyên truyền của những thế lực chính trị bên này. Những người có dịp về Việt Nam thì lại chỉ thấy những tệ nạn xã hội bởi trong đầu họ vẫ luôn có ý đi tìm những hình ảnh mà họ đã được tuyên truyền - không có đủ thời gian để nhận ra những khía cạnh tích cực.


Với chủ trương đón tiếp kiều bào về nước đầu tư, thiết nghĩ chúng ta cần phải mở rộng cách suy nghĩ của mình - nên nghiêm khắc nếu một người sinh ra và làm việc ở Việt Nam lại không thể viết được một bức thư tiếng Việt cho ra hồn, nhưng mặc khác nên cảm thông với những người Việt xa xứ vốn không có điều kiện tiếp xúc và trau dồi ngôn ngữ.


Chú Thích Trong Bài:

  1. ”Interactive Designer” có thể tạm dịch theo nghĩa từ là người làm thiết kế tương tác. Theo Wikipedia, “Interactive Design” là chuyên ngành nghiên cứu thiết kế “hành vi” (hoạt động)  của sản phẩm mà người dùng tương tác
  2. theo Wikipedia: kỹ thuật quảng bá sử dụng các mạng xã hội đã có để đưa thương hiệu đến với người sử dụng - đôi khi có thể hiểu là quảng bá sản phẩm theo kiểu “truyền miệng”
  3. trong những trường hợp đó, việc sử dụng những chú thích cuối trang làm một điều mà người biên tập nội dung nên làm

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.nguoitapviet.info/2009/03/19/1147/

No comments:

Post a Comment

Popular Posts