Wednesday, April 1, 2009

Tầm nhìn?

Tôi còn nhớ, nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, Báo Doanh Nhân Sài Gòn có tổ chức một hội thảo hoành tráng tại Dinh Thống Nhất với slogan: “Doanh Nhân Việt Nam – chung một đội ngũ, chung một tầm  nhìn”. Rất nhiều diễn giả nổi tiếng tham dự và phát biểu tại hội thảo này. Ai cũng nhấn mạnh “Cái mà chúng ta thiếu chính là tầm nhìn”, “Singapore hơn Việt Nam chỉ vì họ có một tầm nhìn”, “Doanh nhân Việt Nam cần có chung tầm nhìn”,… Tôi cũng đồng ý tầm nhìn là quan trọng, nếu chúng ta có chung tầm nhìn thì quá tốt. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi: “Vậy chúng ta định có chung tầm nhìn gì? Cái mà chúng ta định có chung đó được phát biểu như thế nào” thì không ai trả lời được! Trao đổi thêm với một vài diễn giả, sự hiểu biết của họ về tầm nhìn thực sự làm tôi ngạc nhiên! Họ cho rằng, ai không có tầm nhìn là kém là chỉ biết ăn đong, ai có tầm nhìn là hay là có triển vọng, còn tầm nhìn gì thì họ không quan tâm!
Một lần khác, tôi có dịp tham dự một hội thảo, trong đó có báo cáo trình bày về tầm nhìn của Tp.HCM đến năm 2020. Tôi hỏi diễn giả:
-         Tại sao phải nhìn xa thế?
-         Mỹ cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2020 – Diễn giả trả lời.
-         5 năm tới Thành phố sẽ như thế nào?
-         Làm sao tôi biết được?
-         Vậy tại sao anh lại có thể vẽ được bức tranh của thành phố tương lai sau 12 năm nữa? Anh phịa ra cho vui à?
Tầm nhìn là từ được dịch ra từ tiếng Anh (Vision), là một cái nhìn về tương lai. Tầm nhìn phải mô tả được cái tương lai mà một tổ chức định đi đến. Nếu cái tương lai đó quá xa, ta không thể hình dung ra nó, thì những tầm nhìn chung chung như thế cũng chả có ích gì. Nếu nước Mỹ đứng trên tòa nhà cao hàng trăm tầng có thể đưa ra tầm nhìn xa 20 năm, thì điều đó không có nghĩa là, những nước khác, đứng ở vị trí thấp hơn, nhất thiết phải đưa ra một tầm nhìn viển vông như thế.
Cái thời ăn đong, ngày nào biết ngày đó đã qua. Ngày nay, bên cạnh các mục tiêu ngắn hạn, các tổ chức phải biết phấn đấu cho những mục tiêu dài hạn hơn. Tầm nhìn đối với một tổ chức vì thế trở nên rất quan trọng. Nhưng nó phải được xây dựng trên nền tảng là năng lực cốt lõi của tổ chức với một khát vọng bay bổng vươn cao, chứ không phải xây dựng trên cung trăng.
Trong bài giảng của anh Bình về Leadership Building có định nghĩa về tầm nhìn đại ý như sau: Tầm nhìn là câu văn súc tích (dễ nhớ và làm say mê lòng người) chỉ ra triết lý và sức mạnh cốt lõi, đồng thời mô tả sản phẩm/dịch vụ và viễn cảnh tươi sáng của tổ chức. Nó phải trả lời 4 câu hỏi:
1.      Tổ chức hướng tới mục tiêu gì? Tại sao?
2.      Sức mạnh cốt lõi là gì?
3.      Sản phẩm dịch vụ gì?
4.      Viễn cảnh tươi sáng như thế nào?
Đây cũng là định nghĩa bài bản của các giáo trình quản trị kinh doanh (áp theo định nghĩa này thì tầm nhìn của FPT sẽ phải sửa lại khá nhiều).
Trong dân gian, có một khái niệm tương đồng với tầm nhìn: đó là “lo xa”. Có câu “một người lo bằng kho người làm”. Một người nông dân biết lo xa, biết chuẩn bị lương thực dự trữ cho tháng ba ngày tám, biết dành tiền để tháng 9 cho trẻ em đến trường, biết lo chuyện sau này cưới vợ gả chồng cho con cái,… chính là người có tầm nhìn. Những người biết lo xa thường không bị rơi vào cảnh khốn khó.
Hãy dành thời gian suy nghĩ về tương lai và không ngừng mơ ước. Và nếu ước mơ của bạn thực sự cháy bỏng, nó sẽ trở thành tầm nhìn, thành la bàn định hướng cho cuộc sống của bạn, giống như bạn vẽ ra ngôi nhà mơ ước khi nó chưa có và một ngày nào đó bạn sẽ xây được nó.Một chuyện cổ kể lại rằng, người coi công việc của mình chỉ là cắt những hòn đá ra thành khối vuông mỗi bề hai foot thường có năng suất kém hơn người coi mình là một thành viên quan trọng đang tham gia xây dựng một nhà thờ lớn. Nếu bạn không tự coi thường mình, chắc chắn bạn sẽ đạt được rất nhiều thành tựu chính bạn cũng không ngờ.

Xem đầy đủ bài viết tại http://vn.myblog.yahoo.com/may-sao/article?mid=435

No comments:

Post a Comment

Popular Posts