Wednesday, January 2, 2013

Cúng miễu



Tháng hai này nhớ về ăn đám cúng miễu nghen con!…

Theo tiếng ngoại dặn dò là cả ký ức miền quê yên tĩnh, nơi có con rạch Ông Cả nước lớn ròng chở tiếng bìm bịp kêu chiều, nơi có những buổi hoàng hôn lưu dấu chân chim cuốc lủi sau lũy tre già khi tháng 7 mưa dầm, có đám mạ non lún phún dưới ruộng cạn uốn mình bẽn lẽn rụt rè trong gió. Dạ con về… lòng rưng rức nhớ quê.

Còn non con trăng mới tới ngày cúng miễu làng nhưng xóm riềng đã râm rang bàn tán năm nay cúng miễu theo lệ là lớn vì ba năm cúng đáo một lần. Con tròn xoe mắt, ngô nghê : Cúng lớn là sao hở ngoại? Dừng tay ngoái trầu ngoại diễn giải: Số ba là số tròn trĩnh viên mãn nhất trong các số đó con! Đầu óc trẻ thơ tuổi ăn chưa no lo chưa tới con làm sao hiểu hết những điều lớn lao như tín ngưỡng tâm linh từ đời cha ông xưa truyền lại mà lòng chỉ mong mau tối mau sáng để được thấy được ăn một bữa ngon.

Miễu nằm choi loi giữa đồng không mông quạnh chỉ có cây bồ đề che gió đón mưa làm bầu làm bạn. Miễu cũng không cần ai trông nom nhưng vẫn sạch sẽ tinh tươm với mái lợp ngói cổ kính rêu phong lấm tấm bụi thời gian phủ mờ theo năm tháng. Miễu có tự bao giờ con không rõ nhưng ngày con chập chững lên ba lên bốn con đã được ngoại bế bồng đi ăn cúng miễu. Con còn nhớ cái ngày đầu đến miễu đã thấy lòng nhẹ nhàng với hương đồng gió nội bởi không gian thanh tĩnh yên bình mà không cần khẩu hiệu đi nhẹ nói khẽ nào. Con đi lẩm đẩm quanh miễu tay vân vơi ve vuốt đầu rùa, chân hạc lòng trẻ thơ mơ về thế giới cổ tích xa xăm mà mình được nghe được biết qua lời ru của ngoại.

Mười năm sau con đã thành thiếu nữ cũng quang cũng gánh theo lưng còng của ngoại phụ làm đám cúng miễu thường niên. Năm nay ngoại làm Thủ bổn nên bà cháu tất bật hơn. Từ chén bát thau thùng đến các món ngon dân dã phải chu toàn đủ đầy để đãi đằng cho tinh tươm mới mong làng xóm an bình ruộng nương được mùa vợ chồng đầm ấm đậu vạc đều con. Lúc dọn mâm cúng hay khi ăn mọi thứ phải nhẹ nhàng. Ngoại nói mọi tiếng động mạnh hay sự đổ vỡ đều làm ông bà tổ tiên quở. Cúng miễu kỵ nhất là đổ và vỡ. Vì đó là điềm không may cho cả làng năm đó. Cẩn thận một giờ cho cả năm theo ngoại đó là việc nên làm.

Hừng đông, nắng xé đám mây hồng vươn dài theo gió mà phô phang sức sống. Ông Hai, Ông Tư, bà Sáu – người của năm cũ – các bô lão trong làng đã chỉnh tề trong khăn be áo dài, cắp ô dù, thỉnh bông trang đường hoàng ra miễu bày biện chuẩn bị cúng bái. Ông Hai tần ngần quét bụi, xăm soi từng chiếc lá nhành bông sao cho bình hoa chỉn chu đẹp mắt. Ông Tư tay run run sờ sẫm từng chưng đèn, lư hương rồi thắp nhang lầm rầm khấn vái. Mấy chị mấy cô bìu víu con mọn nên tới trễ lấm la lấm lét xắn tay áo làm bù vả lả  cười trừ khi nghe bà Sáu trách yêu. Cúng miễu theo lệ hàng năm mà tổ chức là tự nguyện nên mạnh ai nấy đi chứ không mời mọc rủ rê chèo kéo nên không có yếu tố vụ lợi. Nhà nào có thức ngon gì thì mang theo, xong tiệc thì  mang về không quên “lại quả” lấy lộc miễu cầu may.  Cúng miễu không chịu vay mượn đổi chát, có chi dùng nấy. Ngay cả cách bày biện hay chỗ ăn uống cũng cây nhà lá vườn. Trải chiếc chiếu dưới đất bày biện thức ăn lên. Người lớn kẻ nhỏ khi ăn đều ngồi xếp bằng dưới đất. Cúng miễu cũng là dịp con cháu tề tựu về bái tổ vinh quy như dịp để người có ăn giúp đỡ người thiếu thốn bất hạnh. Năm nào sau cúng miễu thể nào cũng có vài người nghèo trong xóm nhận được món tiền kha khá làm vốn mưu sinh vượt qua cảnh bần hàn. Ngoại nói: nghĩa cử lá lành đùm lá rách làng mình đã có từ lâu. Giúp người xuất phát từ cái tâm trong sáng mới thật chứ vì danh vì lợi hay chụp hình quay phim quảng bá rầm trời như ngày nay con thường thấy chỉ làm nát lòng người được giúp mất luôn cái tình làng nghĩa xóm vì mặc cảm sang hèn… Nhìn cảnh mấy chú mấy anh thành đạt nơi Sài thành đã làm ông này bà nọ nhưng khi đứng trước các cô các bác vẫn khúm núm cung kính làm lòng con dậy lên ước mơ và động lực phấn đấu cho mình.

Mặt trời mới lên hơn sào ruộng mà mọi thứ đã được bày biện xong xuôi trước miễu. Thức ăn thì ôi thôi phong phú vô cùng. Món mặn món lạt đều có đủ. Thức ăn cúng miễu thường xếp theo nghề. Người buôn bán thì cúng thịt quay. Người làm nông thì cúng xôi chè. Người làm nghề Bà cậu thì cúng cua, tôm, cá… Công chức là mối tổng hòa giữa các nghề khác nên cúng thịt luộc bánh tráng chấm mắm chua. Duy tiết mục quan trọng nhất trong cúng miễu là đọ xôi chè. Chè xôi là thức ăn chính của con người ăn hoài không thấy ngán vì đó là ngọc của trời. Từ chối của trời là sắp về với đất mẹ âm u lạnh lẽo. Vào chính lễ không ai hì hục ăn rồi xách gói đi về như thường thấy ở đám tiệc thị thành. Mọi thứ nơi đây đều từ tốn nhưng không kém phần xôm tụ. Người lớn thường hay xúm lại trầm trồ mâm xôi của cô Ba, chú Bảy. Trẻ con thích xanh xanh đỏ đỏ nên cứ bám riết mâm chè của chị Tám anh Tư. Nào xôi đậu xanh, xôi đậu phộng, xôi đậu đen có cả xôi lá cẩm, xôi gấc đủ màu đủ sắc. Chè quê ngoại nổi tiếng là chè thưng – thức chè thập cẩm thơm ngon cực kỳ. Nhưng thông dụng nhất vẫn là chè đậu trắng vì theo mọi người chè mang ý nghĩa đẹp theo cách giải nghĩa tách từ: đậu là được, trắng là hết tất cả. Chè đậu trắng ăn đứt các loại chè khác đơn giản chỉ vì tên gọi. Năm nay cô Chín sáng tạo xôi vị có in chữ Phúc- Thọ ăn kèm với chè đậu trắng nên đã đạt giải quán quân một cách ngoạn mục và được đặc cách làm thủ bổn dù cô mới ngoài ba mươi.

Rượu trắng được rót ra chung trước cúng thổ thần, thổ địa, thần miễu, thần nông sau được chuyền tay từng người nhấp môi cho ấm áp tình làng nghĩa xóm. Từng người không ai bảo ai cúi lạy trước miễu cầu mong nguyện ước riêng mình.

Nắng chênh chếch qua đầu len qua kẽ lá mà rọi xuống sân. Hết xôi rồi việc. Người lớn ngồi uống trà, người trẻ thu dọn các thứ. Không có đồng bóng hát hò bát nháo vẫn thấy vui tai mát mắt vẫn lễ vẫn hội nghiêm trang đàng hoàng lễ nghi cúng bái. Vẫn trà dư tửu hậu vẫn ấm áp tình thân tình người tình đất. Vẫn tay bắt mặt mừng khi gặp gỡ vẫn rưng rưng nước mắt trước giờ khắc chia tay trở về với cuộc sống thường nhật mỗi nhà. Đời có hợp có tan, dâu bể khôn lường nhưng khi ta biết trân trọng những gì đã và đang có sẽ thấy đời còn có nhiều niềm vui, cuộc sống có thêm ý nghĩa. Cúng miễu mỗi năm mỗi có. Nhưng mỗi năm đều có dư vị riêng không trộn lẫn vào nhau. Cũng bởi thế mà kẻ đi xa người ở gần đều náo nức ngày về cúng miễu để được hàn huyên tâm sự như thể về nguồn. Cúng miễu từ lâu đã vượt thoát khỏi cái vốn dĩ bình thường dân dã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân quê chân chất.

Bao thế hệ đi qua. Bụi thời gian lấp đầy trên mái ngói nhưng với con, miễu vẫn đẹp lung linh dù đã cũ kỹ, xộc xệch, già nua.

Con sẽ về ngày cúng miễu để được hòa vào dòng người quang gánh nườm nượp đi vào miễu thờ như ngày con còn bé. Miễu tuy đã già đã cũ kỹ theo năm tháng nhưng với con miễu vẫn mãi là mội nước ngọt ngào khi con khát, vẫn là nắm xôi vò trĩu nặng mồ hôi dân quê khi con đói, vẫn là bóng mát xanh rờn khi con ngất ngưỡng giữa cuộc sống xô bồ xô bộn chốn đông người. Con sẽ về cúng miễu ngoại ơi!


Lý Thị Huỳnh

No comments:

Post a Comment

Popular Posts