Wednesday, March 4, 2009

Đi tìm câu trả lời cho Mạng Xã Hội VN

Trong bài viết đầu tiên, tớ đã thử đưa ra những nhìn nhận đánh giá của mình về những ví dụ “thành công” những dịch vụ web Việt Nam trong năm 2008, với định nghĩa của thành công dựa trên hai yếu tố chính sau:



  • Xây dựng cơ sở người dùng. Một dịch vụ thành công trước hết phải là một dịch vụ có một lượng người dùng lớn áp đảo.

  • Nó phải tự nuôi sống được chính mình (qua lợi nhuận trực tiếp, hoặc thể hiện qua khả năng thu hút đầu tư)


Trong số những dịch vụ “Mạng Xã Hội” được đề cập đến trong bài viết đó, tớ cho rằng hầu hết các dịch vụ nhái của Việt Nam đều thất bại trong việc thu hút người dùng và rằng hai ví dụ thành công đáng tiếc lại không phải là một sản phẩm của Việt Nam: Yahoo! 360 và Cyworld. Trong bài viết này, tớ sẽ giải thích thêm về khía cạnh này.


Sau khi được đưa lên, đã có những phản hồi về bài viết đầu tiên nhưng không phải thông qua hệ thống phản hồi của Người Tập Viết. Phần lớn trong số đó cho rằng những nhận định của tớ được đưa ra một cách thiếu cơ sở và không thể hiện thực tế. Do không nằm trong hệ thống phản hồi của Người Tập Viết, tớ sẽ có một bài viết riêng để trả lời cho phản hồi đó. Bài viết này có lẽ cũng sẽ mắc phải một khuyết điểm tương tự. Nhưng cho dù những nhận định của tớ có thể không có đủ cơ sở (là số liệu hay kinh nghiệm làm việc), tớ hi vọng nó sẽ cung cấp một góc nhìn về vấn đề.



Tớ vẫn luôn cho rằng lý do việc các dịch vụ web Việt Nam vẫn chưa thành công nằm ở chỗ những thiếu “ý tưởng gốc”. Điểm quanh những dịch vụ hiện có, không có bất kỳ một dịch vụ nào được xây dựng với mục đích cốt lõi là để đáp ứng một nhu cầu cụ thể của người dùng Việt Nam. Facebook được xây dựng khởi nguồn để phục vụ cho cộng đồng sinh viên ở đại học Harvard1. YouTube được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của những người xây dựng ra nó muốn có một cách nhanh chóng để chia sẽ video với mọi người2. Những dịch vụ như FaceViet, Tầm Tay, Gương Mặt, Clip.vn được xây dựng để làm gì? Vì ở nước khác có Facebook, MySpace và YouTube.


Nói như vậy không có nghĩa việc xây dựng “nhái” là một việc không nên làm bởi người dùng Việt Nam hiện nay cũng có nhu cầu sử dụng những dịch vụ giúp họ mở rộng kết nối và truy cập thông tin. Ngay cả khi chúng ta không xây dựng những dịch vụ tương tự, người dùng rồi cũng sẽ tiếp cận được đến những dịch vụ và sản phẩm quốc tế. Việc sớm xây dựng những dịch vụ tương tự đáp ứng nhu cầu riêng cho cộng đồng người dùng trong nước vì vậy có thể nói là một bước đi cần thiết và khôn ngoan. Nhưng khi mục đích của việc xây dựng những dịch vụ này không nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng - thất bại là điều khó tránh khỏi.


Một trong những lý do thất bại của các dịch vụ web 2.0 Việt Nam có lẽ xuất phát từ chính góc nhìn của họ khi xây dựng sản phẩm. Tớ đã từng nghe một nhận định rằng các dịch vụ web Việt Nam được xây dựng và giới thiệu với một mục đích “xa” là hi vọng sẽ được mua lại bởi các công ty quốc tế3. Điều này nghe có vẻ hơi quá đáng nhưng không phải không có thực. Để biến giấc mơ đó thành hiện thực, một dịch vụ nhất định phải có một lượng người dùng lớn, đủ để thuyết phục những công ty quốc tế nhắm đến thị trường trong nước rằng mua lại họ là các nhanh nhất để thâm nhập thị trường.


Có lẽ các công ty đều hiểu rằng mỗi thị trường đều có những đặc điểm khác nhau do ảnh hưởng của văn hóa, lối sống, thói quen và sở thích của người dùng. Việc nghiên cứu những đặc điểm đó để đưa ra những tính năng thích hợp phục vụ cho đối tượng người dùng tương ứng không phải là một việc dễ dàng và đòi hỏi thời gian, nhưng họ - các công ty - không ai muốn bị chậm chân bởi họ đều nghĩ rằng người đến sớm sẽ có nhiều cơ hội. Còn gì đơn giản hơn là việc sao chép nguyên xi những ý tưởng đã có? Kết quả thất bại trong việc thu hút và giữ chân người dùng của những dịch vụ như vậy không có gì đáng ngạc nhiên.


TRƯỜNG HỢP CỦA CÁC MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM


Một trong những ví dụ minh họa cho thực tế này không đâu xa chính là những dịch vụ “nhái” Facebook - một trong những mạng xã hội quốc tế thành công nhất hiện nay. Chỉ trong một năm, hàng loạt các dịch vụ tương tự được ra đời, điển hình nhất có thể kể đến: FaceViet, Tầm Tay, Gương Mặt. Gần đây khi một lần nữa nghe nói đến một cái tên mới là “ZoomBan”, tớ không khỏi tự hỏi - những người quản lý những công ty này đang nghĩ gì, đang hi vọng điều gì khi bản thân họ biết rõ những gì họ cung cấp cũng chẳng có gì khác biệt? Thực tế cả 3 đều được xây dựng mô phỏng một cách máy móc (và cẩu thả) những tính năng (và thậm chí cả giao diện) của Facebook, với hi vọng rằng nhu cầu kết nối của người dùng trong nước cũng sẽ giống với nhu cầu của người dùng nước ngoài. Không ai thực sự tìm hiểu nhu cầu của người dùng Việt Nam và cũng không có khả năng tạo ra một nét riêng cho mình, kết quả là người dùng không thể tìm được bất kỳ lý do gì để sử dụng dịch vụ này mà không phải là dịch vụ kia. Tớ có thể tưởng tượng được rằng một người sẽ đăng ký cùng lúc tài khoản ở cả 3 dịch vụ, để rồi bỏ quên cả 3.


BÀI HỌC TỪ YAHOO! 360


Dường như bất kỳ ai quan tâm theo dõi mảng dịch vụ web này khi nói đến Yahoo! 360 đều nghĩ về nó như là một sản phẩm “bỏ đi” về mặt tính năng (chẳng có gì ngoài “blog” và “blast”) và giao diện (tệ hại với khả năng tùy biến nửa vời khiến phần lớn giao diện do người dùng tạo ra đều… cực xấu); rằng việc nó là mạng xã hội lớn nhất Việt Nam hiện nay chỉ là nhờ vào 2 yếu tố: sự phổ biến của mạng chat Yahoo IM và việc nó xuất hiện rất đúng lúc ở đúng thời điểm khi mà “blog”  là một cơn sốt để trở thành người duy nhất cung cấp dịch vụ này cho người dùng Việt Nam. Cả hai lý do trên đều không sai và phản ánh đúng thực tế những gì đã xảy ra, nhưng nói như vậy cũng có nghĩa là chúng ta đã cố tình không thừa nhận những điểm mạnh của Yahoo! 3604.


Cốt lõi của 360 thật sự cực kỳ đơn giản: blog - một dạng nhật ký trực tuyến, “blast” - báo cho mọi người biết bạn đang làm gì, khả năng kết nối giữa các thành viên và thông số cho biết bạn đã có bao nhiêu lượt xem. Nó không cung cấp tính năng cho phép bạn đưa ảnh (hay video) lên để chia sẽ với người khác. Yahoo giới hạn số lượng người mà bạn có thể kết nối ở một mức nhất định là 300. Dịch vụ thậm chí không cho bạn xem danh sách những thành viên đang tham gia trên mạng ngoài những người mà bạn đã biết qua chat. Mặc dù về sau bạn sẽ có thể biết đến những người khác qua các kết nối “bạn của bạn”, nếu bạn hoàn toàn không có mối liên hệ gì (trực tiếp, gián tiếp hoặc qua giới thiệu), khả năng là bạn sẽ không biết ai khác trên mạng. Mặc dù vậy, những gì Yahoo! 360 cung cấp đáp ứng những nhu cầu chính của người dùng:



  • Cho phép người dùng tạo ra một không gian của riêng mình mà ở đó họ có thể ghi lại những chuyện hàng ngày.

  • Cho phép họ kết nối là những người mà họ quan tâm - đầu tiên là những người mà họ đã thường hay liên lạc thường xuyên thông qua hệ thống tin nhắn nhanh (”Instant Messenger”) của Yahoo.

  • Yahoo! 360 cung cấp “công cụ” đơn giản để đánh dấu mức độ phổ biến của một thành viên là số lượng lượt xem, cho phép một thành viên có thể trở thành “sao” trong thế giới ảo nếu đó là điều mà họ hướng đến.


Cho đến thời điểm hiện tại, Yahoo! 360 vẫn có chỗ đứng vững chắc của mình bất chấp những dịch vụ mới với giao diện đẹp và nhiều tính năng hơn (thậm chí cho phép bạn chuyển nội dung từ 360 sang). Những “hạn chế” của 360, dù là vì lý do kỹ thuật hay là có chủ ý, có lẽ đã giúp một phần không nhỏ cho thành công đó. Việc giới hạn số người người mà bạn có thể kết nối ở con số cố định 300 có lẽ không phải hoàn toàn là ở vấn đề kỹ thuật mà phần nhiều phản ánh đối tượng phục vụ chính của Yahoo! 360. Trong khi đó, việc không có hệ thống danh bạ thành viên tưởng chừng sẽ khiến cộng đồng khó mở rộng nhưng ngược lại, những cộng đồng nhỏ này lại rất gắn kết bởi mỗi kết nối được hình thành từ một sự quan tâm, hiểu biết về nhau từ trước (qua mạng chat) giữa 2 thành viên trong mạng. Tiêu chí của mạng của 360 đánh giá không phải dựa trên số kết nối, mà là mức độ gắn kết của mỗi kết nối đó. Bằng chứng của sức mạnh gắn kết này thể hiện rất rõ ràng ở việc những dịch vụ mới rất khó để lôi kéo những người sử dụng 360 qua dịch vụ của họ.


CYWORLD: BỔ SUNG NHỮNG GÌ YAHOO 360 THIẾU


Trong bài viết trước, tớ có nói rằng mình sẽ sẵn sàng đặt cược cho sự phát triển của Cyworld Việt Nam ở thời điểm hiện tại nếu như vì một lý do nào đó Yahoo! 360 không còn tồn tại nữa. Đó có lẽ là nhận định gây tranh cãi nhất của bài viết, nhưng nó không phải là một nhận định bừa chỉ vì tớ thích mọi thứ liên quan đến Hàn Quốc. Từ góc nhìn của tớ, Cyworld là tất cả những gì mà Yahoo! 360 còn chưa làm được. Về giao diện, Cyworld vượt lên trên 360 một bậc với khả năng tùy biến cực cao trong khi vẫn đảm bảo ở một mức độ nhất định độ thẫm mỹ. Về tính năng, Cyworld bổ sung những gì mà Yahoo 360 không có, bao gồm những tính năng chia sẽ ảnh, video,… Nhưng quan trọng hơn là khác với những dịch vụ khác, những nội dung này không làm mất đi giá trị gốc của Cyworld - tất cả đều được kiến tạo bắt đầu từ khái niệm nhà ảo và phát triển xung quanh nó.


Nếu như Yahoo 360 được hình thành dựa trên các liên kết giữa bạn và bạn bè mà mình kết nối, dịch vụ của Cyworld hình thành từ 2 dạng kết nối:



  • Kết nối giữa người dùng và dịch vụ. Cyworld được xây dựng nhắm đến nhu cầu muốn xây dựng một chỗ đứng riêng trong thế giới trực tuyến của người dùng - một ngôi nhà số thể hiện ở ngay tên gọi của nó - “minihome”. Việc cho phép người dùng tùy biến và thay đổi “ngôi nhà” của mình bản thân nó đã tạo một liên kết gắn bó dịch vụ với người dùng - bạn có cảm giác gắn kết với “ngôi nhà” của mình chứ không phải bản thân Cyworld. Việc cho Cyworld chỉ “cho thuê” các hình ảnh trang trí cho ngôi nhà có lẽ không chỉ xuất phát từ khía cạnh sinh lời, mà còn là phương tiện để “kéo” người dùng quay lại để trang trí cho căn nhà của mình. Một khi đã bắt đầu có mối quan hệ trên mạng, chẳng ai muốn người khác thấy căn nhà của riêng mình xấu tệ.

  • Liên kết giữa các thành viên trên Cyworld cũng tương đối gắn chặt hơn ở những dịch vụ khác. Bạn có thể có bao nhiêu “hàng xóm” cũng được, nhưng bạn sẽ phải “ghé thăm” nhà họ để biết những gì đang xảy ra với họ và đó cũng là cách duy nhất để bạn lôi kéo người khác vào căn nhà của mình (mỗi khi vào nhà, bạn sẽ được thông báo những ai vừa mới ghé thăm nhà của bạn - qua đó bạn biết để qua “thăm” lại). Viêc này tưởng chừng “phiền toái”, nhưng qua đó tạo ra những mối quan hệ “hàng xóm” thực sự.


Có thể thấy, khác với 360, Cyworld có hướng khuyến khích người dùng mở rộng mối quan hệ ngay cả với những người mình không hề quen biết. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là Cyworld cũng có cùng chung mục tiêu như 360: phát triển mạng từ “chất lượng” của mỗi kết nối.


Tớ sử dụng Cyworld cách đây hơn một năm trong một thời gian ngắn - như là một nơi để “xả” những tâm sự mà tớ không muốn đưa lên Người Tập Viết5. Dù chỉ chưa đầy 2 tháng với vài chục trang nhật ký và “miniroom”, tớ đã biết được nhiều người bạn trên đó và qua những lời họ để lại sau khi ghé thăm nhà, tớ biết được họ đã thật sự quan tâm đọc những dòng nhật ký đó. Về sau mặc dù không còn viết nhật ký trên đó nữa, tớ vẫn ghé thăm ngôi nhà của mình - đôi khi chỉ để đọc lại những cảm xúc của mình khi đó, và chủ yếu là để trang trí ngôi nhà vốn từng là nơi chứa đựng những cảm xúc đó. Tớ ngạc nhiên khi biết được rằng những người đã từng đọc những dòng nhật ký của tớ lâu lâu vẫn có quay trở lại - cho dù tớ đã thôi không viết gì nữa.


Bản thân Cyworld không phải không có những vấn đề riêng của nó. Thiết kế nặng về đồ họa và các nội dung đa phương tiện có thể còn hơi chậm so với thực tế mạng ở Việt Nam (đây vốn không phải là vấn đề ở Hàn Quốc - nơi xuất xứ của nó). So với 360, Cyworld chú trọng nhiều đến không gian riêng của mỗi cá nhân hơn là việc mở rộng mạng kết nối giữa các thành viên. Đó vừa là một điểm yếu, nhưng như đã nói ở trên cũng là điểm mạnh khiến những ai đã tham gia mạng sẽ gắn kết với dịch vụ hơn. Cạnh tranh trực tiếp với 360, có thể Cyworld sẽ cần có nhiều thời gian để đợi một thế hệ người dùng trẻ mới - vốn phù hợp hơn với phong cách của trang web - và từ từ xây dựng cơ sở người dùng thay thế 360 (sẽ khó để thuyết phục những người trung niên đã quen với 360 chuyển sang sử dụng một dịch vụ như Cyworld vốn quá “trẻ con” đối với họ), nhưng nói chung đó là một hướng đi rất chắc chắn mà chỉ cần kiên trì và đừng mắc sai lầm là họ sẽ đạt được. Tớ đặt “cược” vào sự thành công của Cyworld ở Việt Nam là vì vậy.


LỜI KẾT


Những ai có kiên nhẫn đọc đến những dòng này có thể đã nhận ra điều mà tớ muốn nói đến trong việc giải thích thất bại của các dịch vụ mạng xã hội Việt Nam: những mạng xã hội mà họ xây dựng không bắt đầu từ yếu tố cơ bản nhất của nó - không gian cá nhân và các kết nối - mà thay vào đó ngay từ đầu đã xây dựng mô hình xã hội hướng đến quy mô với những tính năng chú trọng nhiều đến những cộng đồng lớn thay vì phục vụ cho nhu cầu của mỗi thành viên trong cộng đồng đó. Bạn đăng ký thành viên, mở rộng kết nối đến các thành viên khác mà không cần biết họ là ai. Bạn tham gia để xem những gì được đưa lên hệ thống nhưng không thật sự gắn kết với những gì đang xảy ra.


Không dịch vụ nào đánh bại được Yahoo! 360 vì không có dịch vụ nào thuyết phục được người dùng rằng đó là nơi mà họ sẽ biết được về những người mà họ quan tâm - như cách mà phần lớn chúng ta vẫn nghĩ về 360. Nói cách khác, những dịch vụ mạng xã hội Việt Nam nói trên trong nỗ lực sao chép Facebook đã đi lạc hướng trong việc tiếp cận đến nhu cầu thật sự của người dùng. Người dùng đến đó không phải để biết toàn thể cộng đồng tham gia đang làm gì, mà là để biết những gì đang xảy ra với những người mà họ quan tâm. Cũng như khi ta nói gia đình là yếu tố cơ bản nhất của mỗi xã hội, xét cho cùng, mạng xã hội trên Internet dù ảo cũng hoạt động dựa trên những quy luật chung đó. Không hẳn mô hình của Facebook sẽ không thể thành công ở Việt Nam. Đúng hơn, các công ty Việt Nam trong quá trình sao chép đã không nhận ra được một điều rằng Facebook hoạt động cũng dựa trên những quy luật chung đó và đã thất bại trong việc sao chép nó.


Chú Thích Trong Bài:

  1. theo http://en.wikipedia.org/wiki/Facebook
  2. theo http://en.wikipedia.org/wiki/Youtube
  3. Vì đã lâu nên tớ không thể tìm lại nguồn gốc bài viết có nhận định này. Nhưng dù vậy, nêu lại ở đây như là một giả định không phải hoàn toàn vô lý
  4. Việc Yahoo! 360 chỉ đặc biệt thành công ở thị trường Việt Nam mà không phải là bất kỳ đâu khác trong số các nước châu Á - nơi mà Yahoo cũng có những lợi thế tương tự - cho thấy rằng họ đã thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt Nam (dù là vô tình) và rằng bất kỳ ai thật sự muốn thành công trong mảng dịch vụ này ở Việt Nam sẽ phải học hỏi từ những gì họ đã làm.
  5. một bài viết về khoảng thời gian đó là Mùa thu, Gió, Cây, Lá và “Lý thuyết” Của Cảm Xúc

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.nguoitapviet.info/2009/03/04/1077/

No comments:

Post a Comment

Popular Posts