Sunday, February 3, 2013

Học cách không thoái thác.

Học cách không thoái thác để có thể tỉnh táo nhận ra nguyên nhân vì sao mình chưa thể hoàn thành nhiệm vụ hoặc chưa thể đạt được mục tiêu. Đó là không tìm cớ quanh co mà sẽ phân tích nguyên nhân một cách tỉ mỉ để tiếp tục tìm ra con đường dẫn đến thành công
  
Trong cuốn sách “Chịu trách nhiệm sẽ làm thay đổi mọi thứ”, Tiến sĩ John Izzo nhấn mạnh cá nhân phải thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của riêng mình: - Không ngừng học hỏi, đọc sách, mở rộng tầm hiểu biết của bạn. Có một câu nói cổ điển nhưng luôn đúng: Tri thức là sức mạnh. Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội hiểu biết thêm những điều mới mẻ…  
Không thể hoàn thành công việc thường là do chúng ta không thích hoặc thiếu khả năng thực hiện công việc đó. Tuy vậy, nếu bạn phải làm công việc mà bản thân thiếu khả năng hoặc thiếu sự hứng thú, bạn nên học cách không thoái thác, phân tích thử xem nên làm như thế nào để có thể hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Cho dù, một khi không thể thành công, bạn cũng xem đó là một bài học. Đồng thời, thay đổi tư duy, cố gắng để đạt được thành công khi gặp phải những trường hợp tương tự. (Khi chưa thể hoàn thành nhiệm vụ mà bạn không biết nguyên nhân ở chỗ nào thì hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn, và nhiều khả năng bạn sẽ vận dụng lại phương pháp tư duy sai lầm giống như trước).
Hai nữa, nếu nhiệm vụ hoàn thành không tốt, lại thoái thác, tìm cớ chối đẩy, đem sự thất bại quy kết do những nhân tố bên ngoài để làm cái cớ bào chữa cho mình, như vậy chắc chắn sẽ không rút ra được bài học để hành động về sau ít phạm sai lầm hơn. Thói quen đổ thừa cho người khác (hoặc cho hoàn cảnh), về những sai lầm, thất bại của chính mình là cách chắc chắn nhất tước bỏ quyền làm chủ đời mình.
Bởi nếu bạn sợ rủi ro, luôn trốn tránh trách nhiệm, dùng các loại lý do để che đậy, bao biện cho mình thì dần dần bạn sẽ bị rơi vào vòng luẩn quẩn triền miên: Kiếm cớ - thất bại – kiếm cớ, chạy trốn – yếu hèn – lại thất bại, lại kiếm cớ… đồng thời, trốn tránh trách nhiệm sẽ khiến bản thân càng cách xa sự thành công.
Vì thế, nếu bạn mới ra trường đi làm, có sai sót cũng không đáng sợ mà điều đáng sợ là không nhận thức đúng đắn sai lầm của mình. Như bạn không thành thạo về chuyên môn mà phạm lỗi thì ngoài việc nhận lỗi ra, bạn phải nhờ lãnh đạo và những đồng sự thạo việc chỉ dẫn (tìm ra nguyên nhân sai lầm), đó mới là biện pháp tốt khiến bạn tiến bộ. Tuyệt nhiên không tìm cớ này cớ nọ, thoái thác để bao biện cho lỗi lầm của mình. Lời nói không giống việc làm khiến mọi người sẽ hoài nghi, không tin tưởng bạn. Vả lại, ý thức trách nhiệm là hiểu biết nhiệm vụ của mình, hiểu việc mình làm sẽ gây ra hậu quả thế nào cho người khác và cho chính mình. Từ đó biết chu toàn nhiệm vụ, biết cân nhắc, chọn lựa kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào việc. Và khi được giao phó nhiệm vụ hay đã quyết định làm việc gì thì mọi hậu quả xảy đến, dù thành công hay thất bại, cũng dám lãnh nhận, không thoái thác, không lẩn trốn và không đổ lỗi cho người khác.
Tóm lại, tìm cớ thoái thác và phân tích nguyên nhân là hai việc khác biệt rất lớn. Bạn nên học cách không thoái thác, hãy phân tích nguyên nhân hơn là tìm cách đổ thừa hoặc chối đẩy để từ đó nâng cao năng lực bản thân. Trong rất nhiều trường hợp, chính cái nỗ lực, trải nghiệm và cuộc hành trình còn đáng quý hơn là đích đến. Mỗi sai lầm không hẳn là tai họa mà chỉ là một tình huống giúp thay đổi suy nghĩ của bạn. Khi bạn bắt đầu suy nghĩ một cách tử tế và tích cực về bản thân mình thì lòng tin đối vào bản thân cũng tăng lên. Một cách tự nhiên, bạn đang thực hiện những hành động mạnh mẽ để tự ủng hộ mình, tạo thành một tư duy tích cực cho mình. 

Bạn hãy không ngừng tự nhắc nhở: “Mượn cớ thoái thác sẽ ngăn cản mình gánh vác những công việc có tính cạnh tranh cao hơn và trách nhiệm lớn hơn”. - Chắc chắn sẽ có lúc những cố gắng không ngừng và tiếng nói của bạn được ghi nhận.
Chúc bạn thành công
Bích Trâm tổng hợp (Hieuhoc.com)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts