Wednesday, February 20, 2013

Đôi khi, im lặng không là vàng!

Trong một số trường hợp, sự im lặng rất có giá trị. Nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng thành ngữ "im lặng là vàng" được.


Im lặng - làm người nói cảm thấy bị "hớ"!

A: Quán kem này trông sang trọng và đẹp quá! Nhưng tên không ấn tượng...

B: Ừ, hồi đó nó tên là X đấy, nhưng không hiểu sao đổi thành Y, tui thấy tên X đẹp hơn.

A: (im lặng)

B: (chờ đợi, không thấy A trả lời, cảm thấy mình bị hố hết sức!)

Sự thật là: "Lúc đó đang chạy xe ngoài đường, ồn ào. Lúc B nói, mình chẳng nghe được gì cả, nhưng đang cầm lái, nên không thể hỏi lại, sợ mất tập trung".

Nhận xét: Nếu như vậy, thay vì im lặng, rồi lát sau mới thanh minh thì tốt nhất bạn nên hỏi một câu nào đó về chủ đề mà hai bạn đang nói. Làm vậy, người kia sẽ nghĩ rằng bạn nghe được câu của họ. Sau đó, thế nào rồi họ cũng quay ngược lại chủ đề mà bạn không nghe rõ ban nãy.

Im lặng - bằng chứng của sự coi thường

Tình huống 1:

A: Nói nghe, tại sao mỗi lần gặp tui, bạn cứ liếc xéo là sao?

B: (im lặng)

A: Tui hỏi lại, sao mỗi lần gặp, bạn cứ liếc tui là sao?

B: (im lặng hồi lâu) Tôi không muốn nói chuyện với bạn (đi thẳng, nhưng bị A kéo lại và... tát cái bốp!)

Tình huống 2:

X: Y ơi!

Y: (quay mặt lại)

X: Qua đây ngồi chơi nè, nãy có tiết kiểm tra không?

Y: (im lặng, đi luôn).

Sự thật là:

A: "Bạn ấy hăm đánh mình lâu rồi, trước sau gì cũng bị đánh, với lại mình không thích nói chuyện với con người ấy, hao hơi tốn tiếng thêm."

Y: "Mình đang bận túi bụi, lát sau lớp có kiểm tra một tiết, thời gian đâu mà trả lời những câu hỏi xã giao. Không lẽ chỉ vì chuyện đó mà X cũng giận?"

Nhận xét: Im lặng trong các tình huống này không phải là cách tốt nhất đâu bạn! Nếu bạn quay lại nở một nụ cười thân thiện và nói một câu ngắn gọn là "Mình chưa bao giờ liếc bạn" (trường hợp 1) hoặc "Mình bận lắm, thông cảm cho mình nhé!" (trường hợp 2) thì mối quan hệ bạn bè đã tốt đẹp hơn rồi!

Im lặng - Phương pháp không hay khi muốn chia tay

Nếu muốn chia tay với "ấy" mà bạn im lặng, không nói với ấy lời nào, thì xem như bạn vừa mất hình tượng, vừa nhận sự thất bại. Việc chia tay cần phải nói ra cặn kẽ, rõ ràng, trực tiếp hoặc gián tiếp đều được. Nếu cứ im lặng, đối phương không biết bạn đang muốn chia tay hay còn níu kéo, và đặc biệt, họ sẽ nghĩ bạn "xem thường người khác".

Im lặng - Che đậy cái xấu

Tình huống:

Thầy giám thị: Ai vừa mới ra khỏi lớp, đứng lên!

Cả lớp: Im lặng.

Thầy giám thị: Lớp trưởng. Em quản lớp, em thấy bạn nào vừa ra khỏi lớp, nói thầy nghe xem!

Lớp trưởng đứng lên, im lặng.

Đột nhiên cả lớp... chứng tỏ tinh thần đoàn kết, đồng loạt đứng lên, không nói lời nào khiến thầy giám thị ngạc nhiên hết sức!

Nhận xét: Trong trường hợp này, sự đồng lòng của các bạn không thể gọi là đoàn kết, mà "cùng che đậy cái xấu" thì đúng hơn! Ở cương vị lớp trưởng, tốt nhất bạn nên nói thế này: "Dạ, em biết tất cả những bạn vừa ra khỏi lớp, và em muốn họ tự giác trước khi em phải nêu tên". Những người "chột dạ" ắt hẳn sẽ tự động đứng lên như một phản xạ thôi.

***

"Nhiều khi, im lặng khi đến lượt lời của mình cũng là một cách biểu thị thái độ", quả không sai. Nhiều lúc, bạn im lặng vì bạn có lý do chủ quan của mình, nhưng không phải vì thế mà im lặng là giải pháp tối ưu nhất. Nếu im lặng mang ý nghĩa tiêu cực, thì tốt nhất bạn nên chọn cách xử lý tình huống khác thay vì quan niệm "im lặng là vàng"!

No comments:

Post a Comment

Popular Posts