Friday, March 1, 2013

Tuổi thơ dữ dội

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Xin được mượn tiêu đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán để ngược dòng thời gian trên chuyến tàu về ký ức thăm lại tuổi thơ tôi. Một ký ức mà chắc không riêng gì tôi mà trong mỗi chúng ta đều tồn tại và ẩn hiện từng ngày. Những ký ức vụn vặt tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nó đã theo đuổi tôi suốt hơn 20 năm qua và giờ đây mỗi lần nhắc đến là trong tôi không khỏi bồi hồi xúc động hồi tưởng về nó, về những ngày ấu thơ trong tôi.


Bồi hồi xúc động trên chuyến tàu quay về quá khứ 20 năm trước hình ảnh lại hiện về trong tôi. Điều đầu tiên làm tôi nhớ đến chính là phiên chợ quê, mỗi buổi sáng có phiên chợ (chợ quê tôi họp vào ngày lẻ theo lịch âm) là anh em tôi lại ra đường đứng nhìn về xa xăm ngóng trông mẹ đi chợ về để lấy quà. Tôi còn nhớ rõ vì thói quen này mà tôi đã phải đi học chậm mất một năm: hồi đó tôi chưa đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng vì nhà lúc đó có 2 anh em, anh tôi hơn tôi 2 tuổi nên mẹ cho cả tôi đi học cùng anh. Ngày đầu đi học cùng anh cũng là ngày tôi khóc nhiều nhất. Hồi đó tôi mới 4 tuổi, ở quê tôi 5 tuổi mới cho đi mẫu giáo; hôm đầu đến trường ngược lại với bản tính lỳ lợm và gan dạ của ông anh thì tôi lại rất nhút nhát và đòi mẹ phải ở lại học cùng dù cho mẹ có dỗ dành đủ kiểu kết hợp với món đòn roi như thường lệ. Ngày đi học thứ hai cũng không hơn ngày đầu là mấy, tôi vẫn khóc tuy nhiên lần này được mẹ hứa là ở lại học rồi mẹ đi chợ mua bánh, hôm đó lại có phiên chợ. Thế là tôi ngoan ngoãn ở lại học cùng anh, nhưng cũng chẳng được lâu, vì trường học ở ngay cạnh đường cái nên giờ ra chơi lúc đang nô đùa cùng bạn bè thì bất chợt tôi nhìn thấy mẹ đi chợ về ngang qua. Tôi như con thiêu thân chạy theo sau xe đạp của mẹ chạy về dù cho ăn đủ đòn roi nhưng vẫn không chịu quay lại lớp. Vậy là kết thúc năm mẫu giáo bé, chỉ đi học được 2 hôm.
Lại một năm được ở nhà chơi không phải đi học nhưng rồi thời gian đó cũng trôi qua rất nhanh. Anh tôi lên mẫu giáo lớn còn mình tôi lại phải học lớp mẫu giáo bé, tuy vẫn còn khóc nhè không chịu đi học nhưng đều bị khuất phục bởi những trận đòn roi của mẹ tôi. Lúc tôi kết thúc lớp mẫu giáo bé cũng là thời điểm anh tôi lên lớp một. Ba mẹ tôi muốn hai anh em học cùng lớp cho vui và cũng dễ đưa đón nên đã cho tôi bỏ qua lớp mẫu giáo lớn và xin cho tôi lên thẳng lớp 1 cùng anh. Ngày đầu đi học mẹ tôi đưa 2 anh em đi khai giảng, những bỡ ngỡ buổi ban đầu đi học tiểu học quả thật khác xa so với học mẫu giáo. Mỗi bạn có một cặp sách, một bộ quần áo mới để đi học. Chỉ riêng hai anh em tôi, vì nhà nghèo nên ba mẹ tôi chỉ mua được có một bộ sách giáo khoa, một cái cặp cho 2 anh em học chung. Tôi cũng chẳng nhớ nổi là lý do vì sao, có thể vì không có cặp sách hoặc có thể vì đòi mẹ ở lại học cùng (ngựa quen đường cũ) mà tôi lại chỉ đi học được có 2 buổi. Sau đó lại được ở nhà chơi dài.
Ở nhà có một mình cũng chán, mỗi ngày tôi đều ra đầu ngõ đứng ngóng trông anh trai đi học về, phải nói là cảm giác chờ đợi thật là hạnh phúc.
Hồi đó nhà tôi rất nghèo, cơm ăn còn không đủ. Tôi vẫn còn nhớ mỗi bữa ăn đều có kèm theo củ chuối ghế cơm (cũng không có khoai hay dong) vì củ chuối sẵn trong vườn. Trước mỗi bữa cơm anh em tôi cùng bố ra vườn để đào củ chuối, cho vào nồi cơm và ghế. Tuy nghèo đói nhưng hầu như rất ít khi anh em tôi phải ăn củ chuối. Ba mẹ bao giờ cũng nhường cơm cho anh em tôi, và ăn phần củ chuối ghế. Nghĩ lại tôi lại càng thương yêu ba mẹ hơn. Có lẽ vì đã trải qua những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống như vậy nên giờ đây khi đã kiếm ra tiền những lúc đi ăn hay đi chơi tôi thường nghĩ về những khó khăn ngày xưa. Nhưng tôi lại luôn ước ao được trở về thời ấu thơ, cùng nô đùa cùng bọn trẻ con hàng xóm, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với gia đình đầm ấm, mỗi buổi tối lại được nghe ông nội kể chuyện ngày xưa, mỗi sáng mai lại được ra đường ngóng trông quà chợ, rồi buổi trưa trốn ngủ trưa đi câu tôm,…
Tôi luôn mong mình có một điều ước và tôi sẽ ước được trở về tuổi thơ, dù phải đánh đổi tất cả những gì quý giá nhất. Đối với tôi tuổi thơ quý giá hơn tất cả.
Ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ dữ dội. Nếu ai đọc được bài này hãy cùng chia sẻ tuổi thơ của mình để hồi tưởng lại một ký ức đẹp.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts