Thursday, May 2, 2013

Cả đời con mang nặng tình má

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Mỗi lần cất giọng hát bài “Mừng tuổi mẹ”, chưa bao giờ con hát trọn được bài. Con sợ làn gió lay nhẹ làm má chết đi, con sợ mình phải mồ côi dù tuổi đã lớn, con sợ vì mình không thể thay đổi được luật của tạo hóa để giữ má lại với con.


Má kính yêu!
Con nay sắp bước vào tuổi 50, sức không còn khỏe nữa. Còn má thì đã gần 90, lưng đã còm vì bệnh cột sống. Con đang ở xa má hơn trăm cây số. Hôm nay trời có lẽ bão, mưa suốt từ đêm đến giờ, văn phòng vắng khách, con ngồi nhìn mưa rơi mà lòng nhớ má khôn xiết.
Không hiểu vì lẽ gì mà khi ở bất cứ đâu, hễ là trời mưa thì con lại nhớ má, lòng cứ bồn chồn khó tả, mấy chục năm rồi vẫn vậy. Có lẽ ký ức từ thời thơ ấu con không quên được hình ảnh thân cò lặn lội kiếm từng con cá nhỏ dưới những cơn mưa dầm vì con đang đói.
Con mồ côi cha khi mà trí nhớ chưa đủ hoàn chỉnh để ghi nhận hình ảnh của người, má dẫn chúng con đi nay đây mai đó để tránh bơm rơi đạn lạc. Về đến vùng đất cuối cùng cực nam đất nước, gia đình ta may mắn nhờ vào sự đùm bọc của nhiều người bà con bên nội, má gây dựng từ đầu. Cứ sống ở đâu má cũng phải gây dựng từ đầu như thế.
Rồi cùng một căn nhà lá đơn sơ mà bị hai lần bom nổ tan hoang, bầy heo bầy gà vừa tích cóp nuôi được cũng theo bom đạn đi hết. Má đùm túm cả nhà về lại quê hương, trong túi xách có mỗi bộ đồ cho mỗi người và ba trăm đồng tương đương với mấy giạ lúa thời đó. Tài sản hồi hương chỉ có vậy, má lại bắt đầu gây dựng.
Hòa bình rồi, ba đứa con má vẫn nguyên vẹn, má nói như vậy là má mừng lắm rồi vì da thịt má không đủ sức để che bom đạn cho chúng con. Bây giờ cảnh chết chóc vì chiến tranh không còn nữa, chỉ làm sao đừng để chết vì đói thôi, đó là lời tự nhủ của má mỗi khi răn dạy chúng con.
Mấy năm sâu rầy hoành hành, giặc chuột tấn công, mùa màng thất trắng, xóm mình đã có vài người chết vì đói. Má và anh hai rong đuổi trên chiếc xuồng con có tải trọng chỉ khoảng 5 người ngồi, má ở mũi anh hai sau lái để chèo, dọc ngang khắp vùng sông nước miền tây, mua đi bán lại từng món hàng nông sản kiếm lời.
Xuồng không mui nên mỗi lần trời mưa má trùm tấm nilon chịu đựng cho tới khi mưa tạnh. Cứ thế ngày qua ngày, đêm qua đêm, năm này sang năm khác, lênh đênh trên sông nước. Anh hai sức trẻ còn chịu đựng được, còn má khi ấy đã vào tuổi con hiện giờ.
Con cảm nhận được sự cực khổ đó vào mùa hè năm 1984, khi vừa biết kết quả đậu vào trường đại học thuộc hàng danh giá nhất Sài Gòn. Má mừng lắm nên thưởng con bằng chuyến hành trình trên sông nước để về thăm lại những người từng giúp đỡ gia đình mình ở nơi cuối cùng của tổ quốc. Chuyến “hải trình” dài 5 ngày 5 đêm trên chiếc xuồng mộc mạc đó và cũng từng ấy thời gian để trở về nhà, đủ để con thấm cảnh khổ cực mà má trải qua bao nhiêu năm.
Đó là chưa nói đến chuyện vượt qua mấy nhánh sông Cửu Long gặp mưa bão và sóng gió bất ngờ, rủi ro, chết chóc trong cơn sóng dữ may mắn không đến với má con mình, mà lại ập vào số phận của những người đồng hành không may mắn khi tìm cách vượt sông. Sau lần đó con không cho má lênh đênh trên sông nước nữa. Nhưng má nói rằng nếu không như vậy thì làm sao có tiền cho con học tiếp đại học trong khi ruộng ở nhà không đủ đất để ném chim?
Rồi má lại tiếp tục đội mưa, tiếp tục tay chèo tay chống cho tới ngày con tốt nghiệp đại học. Anh hai là con rể còn phải vướng bận nhiều vì con cái còn nhỏ, không thể tiếp tục cùng má rong đuổi trên sông kiếm từng đồng lời dù có sự bảo bọc của má. Tuổi ngày một lớn, sức ngày càng kiệt, một mình má không thể ngược xuôi nên đành gác chèo để lên bờ xuống ruộng, tiếp tục công việc đồng áng.
Đã bao nhiêu năm nay con lập nghiệp xa nhà, má nhớ con, nhớ cháu nội rồi má khóc thầm. Con rước má về với chúng con thì má bảo không chịu được cảnh cửa đóng then cài suốt ngày, giống như bị giam cầm vậy. Ở thành phố thì phải vậy thôi má à, đâu thể nhà không cần gài cửa như ở quê mình được. Má có nhiều bạn bè thân tộc ở gần, còn thành phố thì không có ai, vậy là má quyết định không sống với con mặc dù thương nhớ. Nhờ có chị con ở cận kề nên con đỡ lo.
Má ơi! Từ trong cõi lòng con không muốn xa má dù chỉ một ngày. Sự nghiệp và cuộc sống con hôm nay cũng nhờ vào mồ hôi và nước mắt, thậm chí còn phiêu lưu cả mạng sống của má. Cả đời con mang nặng tình mẫu tử thâm sâu này, cho đến bao giờ con mới trả hết được? Nói vậy chứ cái thiêng liêng ấy có ai đem cân đo đong đếm được đâu, quan trọng là phận làm con phải ra sao để xứng đáng với những điều cao quý ấy.
Mỗi lần cất giọng hát bài “Mừng tuổi mẹ” trong một dịp nào đó, chưa bao giờ con hát trọn được bài. Con sợ làn gió lay nhẹ làm má chết đi, con sợ mình phải mồ côi dù tuổi đã lớn, con sợ vì mình không thể thay đổi được luật của tạo hóa để giữ má lại với con. Con cũng biết điều chắn chắn là má sẽ rời xa con vĩnh viễn nhưng không dám nghĩ tới ngày đó nó ra sao và con có còn khóc được nữa không. Và con cũng chắc chắn nước mắt trong lòng mình còn nhiều lắm, nước mắt nhớ má.
Bài thơ này con viết đã lâu, vào một đêm không ngủ, ngồi nhìn qua khe cửa sổ đếm từng giọt mưa rơi. Con đã cất giữ trong lòng từng ấy năm, giờ con chép lại xin gửi tặng má:
Con đi đã bao xa?
Cũng gần thôi mẹ ạ
Sao lòng mẹ nhớ quá
Tết nay con về mà.
Mẹ tôi nay đã già,
Lưng còng, đầu trắng bạc.
Mái nhà tranh rách nát
Gió tạt chái hiên nhà.
Đời lam lũ phong ba,
Cho con thành người lớn.
Trán nhăn đầy sóng gợn,
Cho con lướt vào đời.
Con thương lắm mẹ ơi!
Thức đêm dài mẹ đợi
Cho già thêm nổi nhớ
Con vẫn bặt tăm hơi.
Con đi xa bao năm qua mẹ đợi,
Với thân gầy còm cõi. Con tự hỏi mình là ai?
Thức đêm mới biết đêm dài
Thấu cho tình mẹ, mới hay lòng mình!
Minh Tuấn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts