Tuesday, March 5, 2013

Chuyện một con đường

Góc Tâm Hồn Nhỏ - Mấy ngày nay, chuyện Dung uống thuốc tự tử lan rất nhanh. May mắn phát hiện và cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng.

Cái tin sắp tới người ta sẽ phóng một con đường lớn nối liền xã Hương Phú tới Tân Hưng của tỉnh bên cạnh, làm mọi người nôn nao, vui mừng. Lúc đầu họ còn bán tin bán nghi nhưng sau khi thấy có đoàn người xuống đo đạc, ghi chép thì ai cũng tin là có thật. Niềm vui nhanh chóng lan ra xóm làng. Người người hồ hởi khi nghĩ tới lúc con đường được xây xong, bà con chở nông sản ra chợ mua bán hay đi chợ đều dễ dàng hơn xưa. Khỏi phải mất công chạy vòng đường quốc lộ, vừa xa, vừa nguy hiểm. Càng vui mừng hơn khi nghĩ tới viễn cảnh mấy đứa con nít tới trường trên con đường nhựa mới.

Người ta nhanh chóng tính toán quy hoạch để đền bù, mọi chuyện đều diễn ra rất thuận lợi. Không thuận lợi sao được khi từ những mảnh đất vườn rộng không mấy có giá trị lại được đền bù cái giá như trên xóm chợ nên chẳng nghe ai than vãn gì. Ấy là chưa tính những mảnh đất vô tình trở thành mặt tiền khi con đường làm xong. Đất gần mặt đường dĩ nhiên phải khác, giá trị tăng lên gấp đôi gấp ba.

Sau ngày đền bù hoàn tất, nhà nào cũng sắm sửa vài món vật dụng tiện nghi khác nhau trong gia đình bộ bàn ghế mới, dàn nghe nhạc... Đôi ba bà thím, bà cô đeo chiếc lắc hay sợi dây chuyền mới khi đi đám tiệc như một kiểu làm duyên và hơn thua ngầm "rất đàn bà". Trong khi vài ông chồng thì chạy nhong nhong trên những chiếc xe gắn máy mới toanh. Con đường vẫn được làm liên tục. Những chiếc xe xúc ủi, gầm rú không ngừng san bằng những vườn trái cây thuở trước, dù chưa đổ đá hay tráng nhựa nhưng đã ra hình dáng một con đường hẳn hoi.

Nhưng niềm vui chưa thấy tới đâu thì xóm làng lại đã vang lên tiếng cự cãi. Đầu tiên là nhà bà Bảy, mấy công vườn của bà đều nằm trọn trong khu con đường đi qua nên bà được đền bù một khoản tiền kha khá. Thương thằng cháu nội là cu Bin đang học cấp ba mà ngày hai buổi còng lưng đạp xe trên quãng đường làng nắng chang chang, bà xuất tiền mua cho cháu chiếc xe gắn máy phân khối nhỏ để đi học.

Hai tuần sau thì chị Thanh - người con dâu thứ tư của bà dẫn thằng con mình xuống thỏ thẻ xin bà nội mua cho chiếc xe để dành đi học như anh Bin. Cứ như thế, những đứa cháu khác xin món này, món nọ bà đều cho. Tới khi nghe bà từ chối không mua cho thằng Tý con của chị ba chiếc xe đạp điện với lý do nó còn nhỏ, bà lo nguy hiểm thì chị ba giận hờn. Nhất là khi anh hai phụ họa vào ủng hộ ý kiến của mẹ. Chị ba bèn buông câu một câu:

- Cháu nào cũng cháu, má thiên vị quá! Bây giờ chưa chạy được thì mai mốt nó chạy mất đi đâu, của trời cho thì chia sớt cho con cháu một chút. Má cứ gom góp cho anh chị hai. Tui biết anh chị ngon ngọt lấy lòng má cũng vì mấy lượng vàng từ tiền đền bù chứ hiếu thảo gì. Hổng dám đâu, sau này má có trăm tuổi thì số đó chia ra cho tất cả chứ không có chuyện ai nhiều hơn ít hơn.

Nói xong chị đứng lên giũ áo cái rẹt, xoay qua lôi thằng con ra về, mặc kệ nét chưng hửng của bà Bảy và gương mặt tái xanh vì giận của vợ anh hai đang đứng ở góc nhà.
Mấy tuần sau, tới đám giỗ má bà Bảy. Thông thường nhà có đám giỗ, chị ba xuống sớm trước cả ngày phụ gói bánh tét, bánh ít. Lần này tới ngày chính giỗ cũng không thấy bóng dáng chị, ngoài túi bánh xanh xanh đỏ đỏ loại giống tiệm tạp hóa hay bán được anh tư xách xuống bảo là chị ba gởi cúng vì bận việc nhà không xuống được. Nguyên buổi sáng, phía dưới nhà bếp không ngớt lời xì xào, to nhỏ. Đôi ba người thắc mắc mùa này đâu phải vụ gặt, đám mận và xoài cũng mới ra bông, việc chi bận rộn tới nỗi không xuống được mà có xa xôi gì đâu. Bà Bảy nghe hết nhưng cho tới khi cu Bin đi học về, bà bảo rằng lúc tan học nó chạy qua lớp thằng Tý định chở thằng nhỏ về ăn đám giỗ, xưa giờ nó thương thằng Tiý nhất trong đám em út. Thằng Tý mặt mày buồn xo trả lời nó :

- Mẹ em dặn không được xuống nhà ngoại và cấm không cho chơi với anh. Mẹ nói cậu mợ hai đạo đức giả.
Bà Bảy vội dặn Cu Bin là đừng nói chuyện đó với ai, nhất là ba nó, bà đâu lạ gì tính bộc trực, thẳng thắn của anh hai, anh mà nghe thì sẽ sinh chuyện. Con bà đẻ ra, nuôi lớn, làm sao bà không hiểu tính nết từng đứa. Bà đâu có lạ tính nhỏ nhen, hay bắt bẻ của chị ba. Một mặt bà an ủi thằng Bin rằng thằng Tý còn con nít nên nhiều khi nghe mười câu nói rơi rớt thành tám câu. Nhưng khi thằng Bin vừa khuất sau cánh cửa bếp thì bà Bảy kéo cái khăn trong túi áo ra chầm chậm lau những giọt nước mắt.

Một bữa khác, tầm vào cơm chiều thì xóm lành nhốn nháo bởi tiếng kêu la thất thanh từ nhà anh Dũng và Minh, vốn là hai anh em ruột ở cạnh nhau. Nhiều người buông chén cơm đang ăn dở, tất tả chạy tới. Trước mặt mọi người, một khung cảnh hỗn loạn, mấy đứa nhỏ - con của hai anh, ôm nhau đứng khóc lu loa vì sợ. Chị Hà và chị Thảo - vợ của hai anh đang cố gắng níu kéo hai người đàn ông về hai phía và la hét kêu làng xóm. Người ta vội nhảy vào can ngăn cũng như giật hai cái cuốc từ tay hai anh em. Vài bà bác lớn tuổi khuyên nhủ chuyện đâu còn có đó, anh em ruột mà làm như là kẻ thù của nhau. Ngồi trong bộ ván nhà mình, mặt anh Dũng vẫn còn đỏ bừng bừng, anh nói lớn:

- Vừa phải thôi chứ tui nhịn nhiều rồi, đừng có làm tới. Miếng đất tám thước bề ngang, hồi má còn sống nói để lại cho tui có nhiều người nghe. Họ chịu đứng ra làm chứng hẳn hoi vì tui là con út, lo cúng kiến, hương khói ông bà sau này nên má cho tui, lúc hấp hối má cũng trối trăng như vậy, anh nghe rõ ràng. Nhưng bây giờ tui lấy năm thước chia cho anh ba thước đã là thơm thảo. Tui không nghĩ tình anh em, tui không chia, cũng không ai có quyền nói. Thứ anh mà trở tráo, lật lọng, tui hổng cần.

Bên kia nhà anh Minh cũng la lối, đòi qua đánh cho thằng em một trận vì tội không biết lớn nhỏ. Anh vỗ bàn cái rầm và nói cùng mọi người:

- Hồi má bệnh nằm một chỗ mấy năm trời ai lo cho má, tui chứ ai. Nào thuốc men, nào ăn uống tốn kém đủ đường. Nó lúc đó tiền cưới vợ còn không có nữa là nói gì chuyện khác. Má mất, chôn cất, mồ yên mã đẹp cũng một tay tui, lối xóm ai cũng thấy. Miếng đất má để lại hồi trước cỏ tranh mọc lút đầu sao nó không nói gì, không giành đi. Bây giờ người ta phóng đường thành mặt tiền, có giá thì nó giành phần nhiều, coi bất nhân không? Tui là anh lớn, tui lại nuôi má. Tui năm thước, nó ba thước mới đúng lẽ chứ, ở đâu mà có loại em tham lam như vậy?

Chừng tháng sau, vài người lối xóm có họ hàng của hai anh bất ngờ khi nhận được giấy từ toà án. Thì ra hai anh kiện lên toà và đòi quyền làm chủ miếng đất đó. Người ta căn cứ theo lời khai, mời những người có liên quan lên để làm chứng sự việc ra sao, báo hại xóm lành một phen bị phiền nhiễu theo chuyện nhà họ. Kiện tới kiện lui, bỏ công ăn việc làm xuôi ngược chỗ này chỗ nọ. Cuối cùng toà xử miếng đất ấy được chia đều, mỗi người bốn thước vì đều là con và không ai có giấy tờ hiệu lực chứng minh nó thuộc quyền riêng mình.

Sau ngày tòa xử thì lối xóm mới được yên, không nghe tiếng chửi bới vang ra từ nhà anh em họ. Lúc trà dư tửu hậu, nhiều người đem chuyện ấy ra nói và cười ý nhị. Họ bảo giá như cứ thuận chia đều lúc đầu thì khỏi mất đi một khoản tiền án phí, kiện tụng, tốn kém không ít .Chưa tính chi phí khi đi ngược đi xuôi trong bao ngày, đúng là tính già hóa non. Sau đó không lâu thì một bức tường gạch được xây lên ngay giữa khoảng sân chung, ngăn cách hai ngôi nhà. Tội cho đám con của hai anh giương đôi mắt trong veo như tự hỏi chuyện gì? Chị Hà và chị Thảo vốn là bạn bè cùng xóm, chơi chung thời nhỏ, lớn lên thì trở thành chị em bạn dâu, cứ ngỡ thân sẽ thêm thân, ai dè... Ngày trước, buổi sáng, hai chị í ới rủ nhau cùng đi chợ. Bây giờ giữa chợ, lỡ đụng mặt nhau cũng xem như không thấy, mặc dù lắm lúc nhìn theo cái dáng gầy gầy của bạn, người kia lại lắc đầu thở dài nhè nhẹ.

Đất vẫn tăng giá lên từng ngày, tỷ lệ thuận với sự rảnh rỗi của nhiều người. Ôi, cần gì vất vả như xưa, cứ thong dong, cứ từ từ, bán vài công đất là có trăm triệu, chẳng đói đâu mà lo, việc gì phải lo chuyện vườn, chuyện ruộng cho nhọc thân... Người ta chỉ mới bắt đầu đổ nhựa được một ít phía đầu con đường từ hướng chợ vào thì bộ mặt làng xóm đã thay đổi thấy rõ. Nhiều nhà giăng rào đóng cột phần đất của mình. Năm, bảy cái nhà từng là chòm xóm tối lửa tắt đèn thân thiết, bây giờ giận hờn và coi nhau như người xa lạ chỉ vì lấn qua, lấn lại vài tấc đất ranh.

Đôi ba cái nhà tầng kiểu cọ được mọc lên. Mấy cái quán cóc lèo tèo bán đậu phộng, nước mía hồi xưa ở đầu đường biến mất. Thay vào là những quán nhậu được gắn mác sinh thái với mấy cô gái từ xứ khác đổ về. Họ thoa son đỏ chét, móng tay dài thượt nhưng lại bận áo bà ba như thôn nữ thướt tha ra vào. Không biết món ăn nơi đó đặc sản ra sao? Ngon tới đâu, chỉ biết khách khứa toàn là đàn ông từ nhiều nơi đổ về nườm nượp. Thỉnh thoảng chở con đi ngang, nhiều bà mẹ cấm chúng không được nhìn vào phía trong bên ấy.
Mấy ngày nay, chuyện Dung uống thuốc tự tử lan khắp nơi rất nhanh. May mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng nếu không hai đứa con nhỏ của Dung lại mồ côi thì khổ. Không cần hỏi nguyên do người ta cũng biết tại sao Dung lại làm việc rồ dại? Thời con gái, Dung trắng trẻo, ưa nhìn, lại giỏi giang việc nhà, được nhiều đám ngấp nghé nhưng cuối cùng Dung lại ưng lấy Bằng. Bằng rất hiền lành, chịu khó, làm nghề thợ mộc nối nghiệp gia đình. Gia cảnh trung trung chứ chẳng dư dả, giàu có gì. Cưới nhau xong, cha Dung cho con gái miếng đất làm của hồi môn. Gom góp chút tiền, vàng, quà cưới của hai bên cho trong hôn lễ, đôi vợ chồng trẻ cất ngôi nhà nho nhỏ. Bằng ngày ngày hai buổi đạp xe đi làm cho xưởng mộc ngoài xóm chợ. Dung ở nhà ra sức chăn nuôi và cải tạo mảnh vườn, cuộc sống cũng khá thong dong, yên ổn.

Sống với nhau mười năm, có hai mặt con thì Bằng sinh tật. Chuyện bắt đầu từ lúc Bằng theo bạn bè vào mấy quán cafe xanh đỏ ở trên thị trấn. Ma xui quỷ khiến thế nào, Bằng mê một em tiếp viên nơi đó. Chẳng biết em nói ngon ngọt làm sao mà Bằng về nhà mở tủ gom hết tiền vàng Dung vất vả dành dụm bao năm đi lên Sài Gòn xây tổ uyên ương mới. Bằng đổ đốn, Dung đều biết hết nhưng cô không nói hay oán trách gì bởi cô nghĩ Bằng chơi chán sẽ quay về nhà thôi.

Tới chừng nửa năm sau khi nghe giá đất bỗng tăng vùn vụt và căn nhà cùng miếng vườn bây giờ giá được tính bằng trăm triệu. Bằng quay về đòi ly di,̣ dứt đoạn để lấy nốt phần tài sản chung cuối cùng bởi trên giấy tờ Dung để Bằng đứng tên. Dung níu kéo, năn nỉ hết cách vẫn không được. Tòa xử tài sản chia hai. Làm gì Dung có số tiền trên trăm triệu để trả cho phần của Bằng. Nếu bán nhà thì mẹ con Dung làm sao, mặt mũi nào nhìn bà con dòng họ vì miếng đất vốn là của hương hỏa ông bà. Cha Dung cắt ra một phần cho con làm hồi môn ngày cưới. Tức giận chồng cạn tình nghĩa còn tráo trở lật lọng trắng đen, lúc nhất thời bế tắc, Dung nghĩ đến cái chết. Cứ tưởng chuyện Dung tự tử sẽ khiến Bằng ngại ngần và trùng tay nhưng trong khi Dung còn xanh mét nằm phía trong nhà thì vẫn có nhiều người tới nhìn ngó miếng đất, họ bảo Bằng nói rằng cần bán gấp với giá rẻ.

Ngay lúc đó, cô của Dung ở Sài Gòn xuống thăm cháu. Khi biết toàn bộ câu chuyện, ba ngày sau, bà trở xuống và bỏ tiền mua lại miếng đất. Nhờ tòa đứng công chứng số tiền phân nửa tổng giá trị thuộc phần của Bằng. Bằng cầm lấy tiền chẳng thèm nhìn tới vợ con một cái, đi thẳng ra cổng, Dung và hai đứa nhỏ khóc như mưa. Trước khi ra về, cô vỗ nhẹ trên vai Dung và nói:

- Thôi đừng khóc nữa con, đừng nghĩ tới kẻ bội bạc ấy. Mất tiền mà biết được lòng dạ một con người thì bài học đó vẫn rất rẻ. Cô mua vì muốn giữ phần đất tổ tiên, con cứ sống như trước giờ, ráng chịu khó nuôi hai đứa nhỏ. Số tiền đưa cho thằng Bằng từ từ làm trả lại cô sau, cô lấy phân nửa, cô cho con phân nửa. Khi nào có, trả cô cũng được, cô không đòi đâu. Không cần lo lắng, buồn phiền, miếng đất vẫn là của con.

***

Mấy tấm bảng ghi chữ "Bán đất" vẫn đang thi nhau mọc lên cũng như kẻ ra người vào nhìn ngó tính toán rầm rộ. Nhưng đột nhiên, những chiếc xe làm đường nằm im ỉm. Người ta bắt đầu bàn tán trước tin con đường hiện bị đình chỉ thi công, lý do là có vấn đề kinh phí. Mọi người chưa hết hụt hẫng thì tờ báo của tỉnh nhà đăng tin về những câu hỏi nghi ngờ nhiều người móc nối với nhau, ăn xén bớt tiền đền bù cũng như vật liệu dùng để làm đường. Con đường ̣đứng im vô thời hạn. Những mảnh đất theo đó tuột giá như chiếc xe không phanh.

Chị ba - con bà Bảy không biết lời ra tiếng vào thế nào mà đến tai anh hai khiến hai người cãi nhau một trận tưng bừng và anh tuyên bố từ mặt cô em gái. Bà Bảy buồn vì con cái không thuận hòa làm bà mất mặt với xóm làng nên bỏ về bên Đồng Tháp sống cùng cô con gái út. Miếng đất của hai anh em Dũng và Minh lúc trước có một ông người Hoa ở Chợ Lớn định mua cất nhà, sau này về an dưỡng tuổi già. Nhưng từ khi tòa xử chia mỗi người bốn thước thì ông ta đổi ý. Vốn mê tín dị đoan nên ông ta cho rằng miếng đất không hợp phong thủy bởi nó khiến anh em trở mặt nên ông ta bỏ luôn tiền đặt cọc mà không thèm mua.

Dung vẫn cặm cụi chăm sóc, trồng trọt nuôi hai đứa con. Dạo gần đây nông sản tăng giá nên kinh tế nhà họ được cải thiện. Dung nhẩm tính tiện tặn chừng vài năm sẽ đủ tiền trả lại cho cô của mình. Phần Bằng, sau khi tiêu hết số tiền có được cũng là lúc bị cô vợ mới tống ra khỏi cửa. Xấu hổ với chuyện cũ, Bằng không dám trở về quê mà xin một chân giữ xe trong một quán ăn ở Sài Gòn gần bến xe miền tây sống qua ngày. Khi Dung đem nông sản bỏ mối cho mấy bà bạn hàng ở xóm chợ thì nghe họ bảo vô tình gặp Bằng nhưng Bằng giả lơ đi. Dung nghe tin đó với một sự thờ ơ như là nói về ai đó chứ không phải người mình từng gọi là chồng.

Con đường bây giờ ngày mưa thì trơn trợt, nước ngập đầy mấy cái ổ gà, ổ voi. Ngày nắng bụi mịt mù, nhuộm những hàng cây ven đường thành một màu khác. Nhiều người cám cảnh, đường không ra đường, gập ghềnh, nhấp nhô, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội nên họ rao bán đất để dọn đi nơi khác. Dù rao bán với cái giá rẻ hơn thời chưa làm đường mà cũng không thấy ai đả động hay hỏi tới. Một vài người ra chừng hiểu biết thực tế hơn xúm nhau làm đơn để đưa lên những nơi có chức năng và câu trả lời họ nhận được từ tất cả cánh cửa có thẩm quyền là: "Chưa có kinh phí".

Mặc kệ cho nhiều người trông đứng, trông ngồi cũng như nhao nhác, xôn xao trước cái tin người ta đã chọn một hướng khác để phóng con đường mới sang xã Tân Hương bên cạnh. Con đường vẫn đứng im lặng như một câu hỏi không có lời giải đáp. 

Song Nhi
(Truyện ngắn của tôi)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts