Dịp sinh nhật năm ngoái tớ được mẹ gửi sang tặng một cuốn sách mà đối với tớ ý nghĩa vô cùng, bởi nó như giúp tớ nhìn ra được nhiều điều đúng vào thời điểm những suy nghĩ của tớ đang bị giao động mạnh bởi những chuyện không hay xảy ra. Thấm thoắt đã gần 1 năm, sau khi những chuyện không hay đã lùi về quá khứ, nhìn lại chính mình trong thời gian qua mới nhận thấy rằng mình có lẽ đã trưởng thành hơn rất nhiều trong cách suy nghĩ của mình về cuộc sống, cách ứng xử cũng như cách nhìn về mọi người xung quanh. Điều đó một phần không nhỏ là nhờ vào cuốn sách mà mẹ tặng.
Bài viết này giới thiệu cuốn sách Thử Hòa Điệu Sống của tác giả Võ Đình Cường, xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Văn Nghệ năm 20071. Đó là một cuốn sách rất mỏng, chỉ chưa đến 80 trang, nhưng nội dung trong đó là những suy nghĩ sâu sắc của một người nghệ sĩ về cuộc sống được chắt lọc và cô đọng trong từng câu chữ mà có lẽ một người hời hợt chưa chắc đã nhận ra được dù đã trải qua mọi vui sướng, đau buồn trong cuộc đời của mình.
Một cuốn sách về triết lý sống sẽ rất dễ dàng trở nên nhàm chán, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, điều mà có lẽ chính tác giả cũng đã nhận ra qua những lời tâm tự đầu sách:
Anh đã ngồi ở ghế nhà trường, đã vào giảng đường, đã dự thính những buổi diễn thuyết… Ở những nơi ấy, một ít lý lẽ tập truyền, cộng thêm rất nhiều uy thế của người giảng, đã làm người nghe phải khuất phục hơn là sung sướng công nhận, bị răn dạy hơn là được cảm thông.
Có lẽ vì vậy, thay vì trở thành một người đi thuyết giảng về lý lẽ sống, tác giả đã chọn để trở thành một người bạn, người anh thân thiết chia sẽ với người đọc những tâm tư về những gì mình đã trải qua:
Anh với em thật chưa bao giờ quen biết. Đôi mắt nhiệt thành, đôi môi cương quyết, hai bàn tay rắn chắc, vồ vập ấy, anh mường tượng như đã trông thấy năm bảy lần trên đường anh qua. Nhưng, những dáng điệu ấy chắc gì chỉ của riêng em? Tuổi hai mươi nào lại chẳng có những dáng điệu giống nhau, phát lộ từ những tâm hồn nhiệt thành với cuộc đời, hăm hở với sự sống? [...] Anh đã trải qua một phần nào tâm trạng khắc khoải của em, cho nên hôm nay, tình cờ găp nhau trên một ngả đường, tuy chưa hẳn đã quen nhau, anh đã hiểu em nhiều lắm. Với những nét nhăn trước tuổi, với dáng điệu trầm tư, em ngồi đó mà anh tưởng như đối diện với chính anh cách mười năm trước.
[...] Từ chối tất cả những chức tước trên, với em, anh chỉ muốn là một người anh, một người anh không độc đoán, không cố chấp, hiền từ ngồi bên em mà đàm đạo. Anh sẽ nắm tay em mà chỉ lại con đường tư tưởng anh đã đi qua, rồi để em tự liệu lấy.
Với những lời dẫn đầu như vậy, xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã giữ đúng vai trò của mình, một người bạn đồng hành với người đọc đi qua từng khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Những điều mà nếu nghe từ người khác bạn sẽ cho là mớ lý thuyết xuông, nhưng nghe thật gần gũi và thân thiện qua những tâm sự của tác giả.
Những chủ đề được đề cập trong cuốn sách có lẽ cũng chính là những điều mà mỗi người trẻ tuổi đều có những lúc sẽ phân vân, tự hỏi, tự nhìn nhận để tự xác định tâm thế của mình trong cuộc sống. Lý tưởng, hình phạt và sự khoan dung, ý nghĩa cuộc sống, số phận rủi may, lòng tin,… tất cả đều là những điều mà một người chỉ có thể thấy được sau khi đã có đủ những trải nghiệm trong cuộc sống. Làm sao để một người mới bắt đầu bước chân vào cuộc sống thực tế có thể nhìn ra được để xác định cho mình một hướng đi đúng, một cái nhìn đúng? Chính trong những lúc như vậy, sự sẽ chia của một người anh, người chị mới thật đáng quý và cần thiết.
Trích đoạn
Trong quá trình đọc sách, tớ không khỏi mấy lần nhớ lại những gì mình đã làm hoặc không làm trong quá khứ mà cảm thấy xấu hổ với bản thân. Có lẽ, đó cũng chính là điểm đặc biệt nhất của cuốn sách cuốn sách: mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau từ sự so sánh với những nhìn nhận của bản thân, qua đó bổ sung cho những gì mình còn thiếu.
Tớ trích lại ở đây một vài phân đoạn mà tớ đặc biệt tâm đắc và thích thú trong cuốn sách, hi vọng giúp bạn có được một đánh giá và cảm nhận riêng của mình về giá trị của nó23.
Mở rộng lòng!
Anh ạ! Lòng em không hẹp, không xấu, thế mà mỗi lần tìm bạn để giao thân, em lại thấy khó khăn tưởng không thể nào gần họ được.
Cái tâm trạng ấy chẳng riêng gì ở em. Anh cũng đã nghe nhiều người nói với anh như thế. Ai cũng tự bảo rằng mình tốt, thế mà đôi bạn tri kỷ vẫn hiếm hoi.
Sao lại có những mâu thuẫn ấy được? Tại sao trong lúc người nào cũng tốt, lại không thể kết bạn cùng nhau?
Vì lòng người thường e dè với nhau quá, không ai chịu mở lòng mình ra trước. Nếu em kiêu ngạo đứng riêng ra thì làm sao có bạn? Phải bớt lòng tự hào và kiêu ngạo đi, để được thêm nhiều mến yêu chứ. Đầu em ngước cao thế kia thì làm sao thấy được những bàn tay của kẻ khác đưa ra để giao nối? Hạ mình xuống một chút em ơi, người ta đang đợi tay em để nắm lấy đấy.
Nhưng tình bằng hữu là một sự gắn bó lâu dài, phải đâu là một cử chỉ đẹp đẽ như lòng từ thiện mà ta chỉ cần mở bàn tay và nhắm mắt lại?
Không đáng ngại, em ạ! Đã muốn đãi vàng tất phải hốt luôn cả cát sạn. Không thể lừa lọc được. Những phần tử xấu xa rồi sẽ bị đào thải đi dần. Em đừng sợ khi mở cửa, lòng em sẽ bị những kẻ dở dang xâm chiếm mãi mãi. Bụi có thể bám vào một hòn ngọc quý, nhưng chỉ một nhát chùi là sạch ngay. Có bao giờ ngọc với bụi lại có thể giao hòa?
[...]
Cử chỉ của một người khát bạn phải giống như người khát nước lâu ngày: lăn xả ra bên bờ khe mà hớp nước, không quản ngại những cặp mắt tò mò xung quanh. Đừng sợ người ta cười cử chỉ bồng bột ấy. Mà ai lại đi cười cử chỉ của một người giàu lòng thân ái?
Lý Tưởng
Không hiếm khi tự hỏi lý tưởng sống của mình là gì. Không khỏi mấy lần lo lắng khi nghĩ rằng so với những người bằng tuổi giỏi dang, mình chẳng có lý tưởng gì. Nhưng đọc qua những tâm sự này mới thấy được, lý tưởng không đâu khác đã có ở trong ta. Đi tìm lý tưởng chẳng qua là đi tìm bên trong chính mình. Dù chưa tìm được, niềm tin rằng lý tưởng của mình vẫ ở đó, đợi để được khơi ra đã giúp mình tự tin hơn về tương lai.
Lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời, và nẩy hoa cho cuộc sống.
Anh kể một chuyện xưa.
Xưa, có một người láng giềng của Dương Chu mất dê. Sau khi đã sai tất cả người nhà đi tìm, ông qua thưa với Dương Chu cho mượn thêm mộ người nữa đi tìm hộ. Dương Chu ngạc nhiên hỏi:
- Sao mất có một con dê mà phải lắm người đi tìm thế?
Người láng giềng thưa:
- Vì đường lắm ngã ba .
Đến chiều tối, người mất dê trở về, Dương Chu hỏi:
- Sao, có tìm được dê không?
- Thưa không tìm được!
- Đông người thế sao lại không tìm được?
- Thưa, vì đường lắm ngã ba quá. Cứ đi một đoạn lại gặp một ngã ba, rồi theo một trong ba ngã ấy lại gặp một ngã ba nữa, thành thử không biết theo đường nào để gặp dê, nên đành phải về không tất cả.
Em ạ, cũng thế, đường đời có muôn vạn ngã. Nếu không sẵn có một chí hướng, một lý tưởng, thì cũng dễ lạc đường. Bơ vơ giữa muôn lối quẩn quanh, người ta quẩn quanh theo muôn lối, cho đến tối chiều, sương pha đã bạc quá nửa mái tóc sầu, mà nhìn lui lại chốn mình đã lên đường từ lúc ban mai còn rực rỡ, thì ôi, nào có cách bao xa?
[...]
Muốn đi xa, không phải chỉ có bước mãi; bức họa đẹp không phải chỉ gồm nhiều nét hay: muốn thực hiện đời mình, không phải chi xung xăng hoạt động là đủ. Kẻ sành đi đường tìm hướng trước khi đi; họa sĩ có tài phác họa trước bức tranh mình sắp vẽ. Người đời không ai thiếu lý tưởng mà có thể thành đạt được. Lý tưởng, ngọn đèn treo cao trong đêm tối đời, vừa chỉ đường cho bao kẻ lạc hướng, vừa dồn năng lực vào một chỗ, như tình yêu mẹ hấp dẫn đàn con quanh mình. Không có nó thì dù có tài cán bao nhiêu nữa, cũng sẽ bị tản mác một cách vô ích như đám người đi tìm dê kia, tuy đông mà không tìm dê lại được.
[...]
Cũng có phần đúng trong lời em nói. Những người đi tìm dê, vẫn khác hơn người đi tìm lý tưởng. Một đàng tìm vật ở ngoài, một đàng tìm ở trong: tìm lý tưởng trước hết là tìm ta, tìm những khả năng của lý trí, tình cảm, thẻ chất [...] Khi đã biết rõ ta như thế, thì đường đi tuy có muôn vạn ngả, mà chỉ có một ngả là thích hợp với ta mà thôi. Người đời thường phân vân trong sự lựa chọn lý tưởng, vì họ không tự biết mình. Có người tưởng mình có đủ tài năng nên muốn ôm tất cả mọi việc, mà rút cục chẳng thành được việc gì. Có người tưởng mình không có chút khả năng nào nên không dám nhận một việc gì cả. Nhưng đã là người, thì dù vụng về bao nhiêu cũng có vài đặc điểm, dù khôn khéo bao nhiêu cũng chẳng hoàn toàn. Chi bằng ta đi theo con đường ta biết có thể đến đích được.
[...]
Em ạ, sóng triều rào rạt mỗi ngày hai bận xuống lên, kẻ thấp chí bạc tài thì theo nó mà ra vào sông bến cũ. Nhưng kẻ kiên tâm cả chí, thì dù gió sóng tơi bời, cũng cố ra sức chống chèo cho qua cơn biển động. Qua cơn biển động ấy rồi, gió thuận căng buồm, sẽ đẩy vút thuyền ta đến những bến trời mới lạ.
Hình Phạt
Anh ạ! Không có một hình phạt nào xứng đáng đối với người thiếu tin tưởng kia, đã đem mình hủy hoại một cách ghê gớm như thế sao? Luật pháp không can thiệp, dư luận không đếm xỉa đến, vậy có một đấng thiêng liêng nào giữ phần thưởng phạt không anh?
Không có một đấng thiêng liêng nào giữ phần thưởng phạt cả! Mỗi cử chỉ xấu xa tự nó đã là một hình phạt rồi.
[...]
Khi con chim đại bàng trong truyện cổ tích, bảo anh chàng tham lam mang túi ba gang để nó đem đi lấy vàng, anh ta mang túi đến sáu gang, thì vàng nặng quá làm rơi cả người lẫn của xuống vực sâu là phải lắm.
Trong lòng tham đã sẵn giấu mầm hình phạt.
Và trong giận dữ cũng thế. Muốn phá hoại được kẻ thù, thì ít ra ta cũng phải tự thiêu đốt mình đến một nhiệt độ cao lắm. Kẻ giận dữ là một nạn nhân đang phát hỏa. Muốn châm lửa vào dầu, cái đuốc của mình phải cháy trước. Khi làm hại ai một phần nào là đã tự hại mình nhiều lắm. Rốt cuộc kẻ đau đớn nhất vẫn là mình.
Lời cuối
Cuốn sách ngắn - bạn có thể chỉ mất một buổi chiều để đọc hết nó - nhưng những suy nghĩ mà nó khơi dậy trong bạn sẽ luôn đi cùng với bạn trong mỗi quyết định, suy nghĩ sau này của bạn trong cuộc sống. Đó là điều mà cá nhân tớ cảm nhận được qua những chuyện xảy ra cách đây không lâu. Đã có lúc muốn cáu giận với những người không có chút niềm tin, nghi ngờ mọi thứ để rồi đi hỏi tại sao những người khác lại đối xử với mình như vậy. Những tâm sự trên có thể nói đã giúp tớ rất nhiều, cả trong cách nhìn của mình đối với người khác cũng như bản thân cách suy nghĩ của chính mình.
Thử Hòa Điệu Sống có thể coi như là cuốn sách mà bất kỳ ai cũng nên giữ bên mình trong suốt hành trình của mình trong cuộc sống, để mỗi khi phân vân giao động có thể mở cuốn sách ra để tự xác định lại tâm thế của mình.
Chú Thích Trong Bài:
- Bạn có thể đặt mua sách trên mạng tại http://www.caothom.com.vn/?m=book&act=view&id=119
- Có rất nhiều những chi tiết dẫn dắt câu chuyện đã được chắt lọc để có thể truyền đạt được nội dung chính trong giới hạn về độ dài của bài viết. Tất cả đều là những chi tiết rất ý nghĩa mà các bạn nên tìm mua cuốn sách để đọc.
- Tớ tìm được một vài trang web trên mạng có đăng tải toàn bộ nội dung cuốn sách, nhưng không tiện đưa lên đây. Thử Hòa Điệu Sống là một cuốn sách giá trị đáng có trên kệ sách của mỗi người và cái giá 12 ngàn đồng không hề đắt chút nào
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.nguoitapviet.info/2009/04/24/1341/
No comments:
Post a Comment