Hôm nay đọc bài viết Những dự án CNTT “chết” trước kỳ vọng trên VietnamNet, thấy nhạcSỐ1 được liệt kê như là một trong những “ứng cử viên”:
Là một trong những dự án được FPT đầu tư tại “Vườn ươm công nghệ”, Nhạc Số.NET ra đời tháng 6/2005 và lập tức được chào đón. [...] Website này cũng nhận sự hợp tác, giúp đỡ, ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình từ những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ có uy tín trong ngành văn hóa nghệ thuật như GS Trần Văn Khê, GS Thái Kim Lan, TS Nguyễn Thuyết Phong, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nhạc sĩ Phú Quang, Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn… Cơ sở dữ liệu của Nhạc Số.NET khá đồ sộ với hơn 10.000 bài nhạc chất lượng cao có lời và thông tin chi tiết cùng với lý lịch đầy đủ của gần 1.000 ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, website 4 năm tuổi này không cưỡng lại được sự tụt dốc trong thời gian gần đây. Thứ hạng trên Alexa của Nhạc Số.NET giảm “đều đặn” từ xấp xỉ 1.000 giữa năm 2008 xuống dưới 10.000. Các chỉ số về page view giảm 33% và thời gian người xem ở lại với Nhạc Số.NET cũng giảm 10%.
Trong số những dự án “chết” trước kỳ vọng, Nhạc Số có lẽ là dự án tớ cảm thấy thất vọng nhất bởi tớ đã đặt khá nhiều hi vọng vào nó trong những ngày đầu. Suy nghĩ của tớ vẫn là nếu như có bất kỳ ai có ý định tham gia vào lĩnh vực này, FPT với Nhạc Số là người có nhiều điều kiện thuận lợi nhất: sự ủng hộ của hội nghệ sĩ cũng như khả năng về kỹ thuật, hạ tầng và kênh phân phối của FPT.
Điểm lại một vài lý do được nêu trong bài viết giải thích cho “cái chết” của nhạcSỐ, một trong những lý do nổi bật là:
Website vẫn giữ nguyên thiết kế từ nhiều năm.
Giao diện rất không hợp lý của nhạcSỐ là một điều mà tớ đã “bức xúc” từ rất lâu rồi - ngay từ khi nó mới được giới thiệu2. Việc cho đến bây giờ nó vẫn không được tân trang lại cho phù hợp với thẫm mĩ của giới trẻ - những người giờ đây được tiếp xúc nhiều với các dịch vụ quốc tế, dường như đã có xu hướng xem các trang web phải thiết kế màu sắc và chi tiết là một điều tất nhiên phải có - chắc chắn đóng một phần không nhỏ trong sự tuột hậu của nhạc SỐ so với các cổng dịch vụ mới ra. Thế nhưng liệu đó có phải là lý do thật sự? Tớ tin rằng, đó chỉ là một hệ quả của một lý do khác - một điều mà tớ nhận thấy qua những cảm nhận lần được gặp mặt với nhóm cách đây gần 3 năm.
Tháng 8 năm 2006…
Qua một vài bài viết về nó trên Người Tập Viết3, tớ đã có cơ hội làm quen một vài người trong dự án và cũng đã gặp trong lần về Việt Nam cách đây mấy năm. Trong lần gặp đó, một trong những chủ đề được đề cập đến là dự án cập nhật giao diện của trang web, và tớ cũng đã có tham gia đóng góp 2 mẫu thiết kế của mình4. Dự án này chỉ dừng lại ở đó và kể từ đó tớ không thấy có một sự thay đổi đáng kể nào của trang web.
Mặc dù phải thừa nhận rằng một phần lý do là vì tớ đã không thật sự có thời gian để tập trung cho dự án này (tớ chỉ ra Hồ Chí Minh vài ngày để gặp nhóm), một điều mà tớ nhận thấy là dường như không ai trong số những người tớ gặp thật sự có tinh thần muốn đổi mới nhacSỐ. Tự bỏ tiền riêng để một mình vào Hồ Chí Minh với mục đích đóng góp ý tưởng của mình, nhưng tất cả những gì mà tớ làm được là thiết kế của tớ được hiện lên màn hình máy tính một lần trong một cuộc họp của nhóm mà dường như nó còn không được quan tâm bằng việc lập kế hoạch đi mua đĩa nhạc ở ngoài về “rip” để đưa lên. Sau cuộc gặp đó, dự án cập nhật giao diện hầu như không được nhắc tới thêm một lần nào nữa5.
Cái chết của lòng nhiệt huyết
Thành thật mà nói, tớ không khỏi cảm thấy thất vọng sau lần đó bởi tớ đã thật sự có nhiệt huyết muốn đóng góp ý kiến mà không có được sự chú ý. Nhưng nhắc lại những điều này ở đây, điều mà tớ muốn đề cập đến là kết quả hiện tại của nhạcSỐ xuất phát từ sự thiếu nhiệt huyết từ ngay bản thân những người bên trong nhóm6, mà việc “website vẫn giữ nguyên thiết kế từ nhiều năm” chỉ là một hệ quả có thể thấy được từ bên ngoài.
Thiếu nhiệt huyết, những gì mà nhacSO làm được trong những năm qua dường như chẳng khiến ai để ý7:
- Cho ra bộ phần mềm nghe, xử lý và thu nhạc kỹ thuật số Vietkar9, Vietplay9,…
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) âm nhạc với hơn 10,000 bản nhạc với các thông tin chi tiết của hơn 1000 ca sĩ
- Cổng giao tiếp điện tử trực tuyến của trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
- Phần mềm viết riêng cho ca sĩ
- Website LuuVietHung.info (!) và các website cho những ca sĩ, nhạc sĩ hàng đầu tại Việt Nam
Trong tất cả những mục trên, trừ việc xây dựng được hệ thống CSDL âm nhạc đầy đủ, những gì mà nhacSO đã làm được nếu không đi chệch quá xa so với mục tiêu ban đầu của trang web thì cũng chẳng đáng nhắc đến. Từ bao giờ nhacSO trở thành nơi thiết kế trang web cho các ca sĩ và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả? Những phần mềm như Vietkar9 liệu giờ đây còn có ai sử dụng? Nếu như lấy mục đích của Nhạc SỐ là nhằm “xây dựng và phát triển hệ thống âm nhạc bản quyền trực tuyến” thì so với lúc mới xuất hiện, nhacSO đã chẳng tiến được thêm bước nào.
NhacSỐ một cách chính thức vẫn chưa “chết”, nhưng nếu tiếp tục thiếu sự quan tâm, chú ý và đặc biệt là nhiệt huyết của những người xây dựng để thay đổi nó, đó có lẽ là một kết kục tất yếu trong thời gian không xa.
Chú Thích Trong Bài:
- ”nhacSO” mới là cách viết đúng tên của dịch vụ, theo giải thích của một người trong nhóm. Mặc dù được giải thích là như vậy để tạo được “logo” riêng bằng ngay chính tên gọi của mình, tớ vẫn không thấy được tác dụng của việc làm này. Bằng chứng là trừ trên trang web chính thức, tất cả mọi nơi đều nhắc đến với cách viết hoa tên đơn giản - “Nhạc Số”
- ”Thử phân tích (về kỹ thuật) NhacSo.net” - http://www.nguoitapviet.info/2005/07/01/193/
- ”Đôi Điều Về 2 Trang Nhạc Số Đầu Tiên Của Việt Nam” - http://www.nguoitapviet.info/2005/06/08/179/
- Tớ vẫn còn lưu giữ những thiết kế của mình. Thiết kế 1 với ý tưởng màu sắc cho 2 giới, và thiết kế thứ 2 với phong cách mới (so với thời điểm đó cách đây gần 3 năm) với 2 mẫu dành cho trang chủ và trang bài hát
- sau đó một thời gian khá lâu tớ có được hỏi ý kiến về một phiên bản thử nghiệm mà tớ cũng không rõ là nó có được sử dụng trong phiên bản hiện tại hay không
- một điều mà tớ cảm nhận khi tiếp xúc ở thời điểm đó là dường như sự ra đi của anh Phùng Tiến Công, giám đốc dự án đầu tiên, thật sự đã có ảnh hưởng rất lớn
- Trích từ trang giới thiệu trên Nhạc Số
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.nguoitapviet.info/2009/07/29/1544/
No comments:
Post a Comment