Tôi còn chẳng biết thứ nước mắt con gái là gì cho đến một ngày có người vì tôi mà bị cô giáo phạt.
Giọt nước mắt |
Đã bảy năm rồi không còn cái cảm giác ấy, cảm giác nghẹn ngào, bối rối khi đứng trước cổng trường cấp 3 quen thuộc ngắm nhìn những tán bằng lăng mùa lưu bút với một trái tim nồng nhiệt.
Hải Phòng ngày hôm nay - ngày nắng có chút mưa rào nhè nhẹ, tôi lại về thăm ngôi trường thân thuộc ấy, được rảo bước qua khoảng sân có gốc cây xà cừ sần sùi, cũ kỹ và lớp học ngày xa xưa với những kỷ niệm chợt khiến tôi thấy vương vấn lòng.
Dường như vẫn còn đây hình ảnh những năm tôi là một cô nữ sinh thơ ngây, nghịch ngợm với đủ trò phá phách. Năm đó 17 tuổi, cái tôi trong mình lớn lắm, một đứa con gái sẵn bản tính lì lợm lại có thêm đội hình “tép tươi tướng cướp” thì biết sợ ai. Chúng tôi đỏng đảnh, làm đỏm với mọi người và sẵn sàng giương đôi mắt thách thức khi có ai đó động vào. Tôi còn chẳng biết thứ nước mắt con gái là gì cho đến một ngày có người vì tôi mà bị cô giáo phạt. Bạn ấy tên Dung, ngồi trước tôi một bàn học. Nhưng cũng vì thế mà Dung đã chỉ cho tôi biết thế nào là cách sống của một người hiểu chuyện.
Ngày đó tập quân sự, trời mưa, con đường đến trường An Lão của chúng tôi đầy bùn đất nhão nhoét. Đi một mình đã khó, nay Dung lại còn đèo tôi ngồi sau xe đạp với cân nặng tương đương, chân tôi lúc đó đang bị thương. Dung cắm cúi đạp dù biết muộn giờ nhưng tôi thì nhởn nhơ ngắm trời đất.
Tôi còn xúi Dung:
“Đằng nào cũng muộn, kệ đi, tớ mỏi chân quá, cậu cho tớ đổi phía ngồi”.
“Không được Linh à, một mình tớ không thể xoay sở, với lại cũng sắp đến nơi rồi” – Dung khuyên tôi.
Tôi còn chẳng biết thứ nước mắt con gái là gì cho đến một ngày có người vì tôi mà bị cô giáo phạt |
Thế mà tíc tắc cũng đến trường, nhưng vừa đến chúng tôi lại bị khiển trách:
“Hai em đi muộn 7 phút, đứng vào góc lớp cho tôi”.
“Nhưng mà cô ơi, đường lầy quá, cô cho bọn em ngồi đi ạ. Bạn Linh chân đau không đứng được đâu” – Dung giải thích với cô chủ nhiệm, trong khi đó mặt tôi vẫn trơ ra bất cần.
“Không lý do, tại sao chỉ có hai em là đến muộn”.
“Chúng em xin lỗi…” - giọng Dung lúc này bắt đầu nghẹn lại.
Bây giờ thì cục tức trong tôi bùng lên: “Thôi không phải xin xỏ nữa, bực mình quá, đứng thì đứng, có 7 phút mà cũng trách phạt”.
“Cô cãi lại giáo viên hả, tôi cho các cô hạnh kiểm khá” – nói rồi cô giáo bực tức bỏ đi trong sự im lặng của hai đứa. Mặt tôi đỏ gay và chìm xuống, còn Dung không nói gì nhưng tôi nhìn thấy trong đôi mắt nó rơm rớm nước. Nó chỉ cười xòa: “Lần sau mình rút kinh nghiệm nhé Linh”. Tôi cũng ngại ngần trao lại cho Dung một nụ cười ân hận.
Những ngày sau đó, có vẻ tôi hiền hơn nhưng bản tính lì lợm và mải chơi vẫn chưa thể dứt bỏ, tôi vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng cho Dung.
“Xin mời bạn Linh ra ngoài làm đề thi riêng” – cô giáo đọc tên tôi to đùng trước lớp khiến tôi giật bắn người, run lẩy bẩy. Bước ra khỏi cửa, miệng tôi vẫn không khỏi lẩm bẩm: “Dung ơi cứu tớ”.
Dung đưa mắt nhìn theo lo lắng, nó không muốn tôi lãnh một con số 0 tròn trĩnh…
“Em vừa làm gì đấy, xòe tay ra” – cô quắc mắt nhìn Dung.
Dung vẫn im lặng không nói gì mà chỉ nhìn cô giáo với ánh mắt van xin rồi lại cúi đầu. Lúc này, mặt Dung đỏ chín.
Cô giáo kiên quyết: “Tôi đã nhắc nhở em rồi, em vẫn cố tình, tôi cho em hạnh kiểm yếu”.
Bỗng nước mắt nó rơi lã chã. Tôi nghĩ chắc là lúc này Dung giận tôi lắm nhưng lạ thay nó vẫn chỉ nhẹ nhàng nói với tôi. Có điều tiếng nói lúc này lạc hẳn đi, là giọng nói có chứa nước mắt mếu máo của một đứa trẻ. Phải rồi Dung đang sợ hãi. Nhìn Dung mà cổ họng tôi chợt nghẹn đắng, bỗng nước mắt cũng tuôn chảy xuống hai gò má không ngừng. Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là giọt nước mắt ân hận. Tôi hớt hải chạy theo bóng dáng cô chủ nhiệm: “Cô ơi! lỗi tại em…”.
Nguồn:
No comments:
Post a Comment