Friday, June 19, 2009

Tổng kết một chặng đường

My graduation photo

My graduation photo


Thứ 3 ngày 9 tháng 6 vừa qua đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với bản thân tớ: lễ tốt nghiệp đại học.


Vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên đặt chân xuống Calgary ngạc nhiên không tin khi được bảo rằng đã là 9h “tối” mặc dù mặt trời vẫn chiếu nắng. Vẫn còn nhớ những lần đầu tự mình mò mẫm các chuyên xe điện để đến trường hay chuyện đi chợ luôn có thói quen quy đổi giá tiền sang tiền Việt để rồi chẳng dám mua cái gì. Vẫn còn nhớ như in buổi sáng đầu tiên bước chân ra cửa đi bất ngờ khi lần đầu tiên thấy tuyết - trắng xóa tất cả mọi nơi. Vẫn còn nhớ những đêm thức trắng cùng 2 đứa bạn làm bài để kịp nộp sáng hôm sau. Vẫn còn nhớ như in một buổi chiều quyết định đi tìm việc làm thêm - mặc dù lần làm thử trước đó đã bị từ chối. Vẫn còn nhớ lần đầu tiên được sở hữu tên miền của riêng mình (nguoitapviet.info), hay cuốn sách đầu tiên đưa tớ đến một lĩnh vực rất mới: thiết kế web.


Và chắc chắn sẽ không bao giờ biến mất là những cảm xúc mùa thu tuyệt đẹp ở đây.


Chặng đường gần 5 năm là một quãng đường dài mà qua đó tớ đã học thêm được rất nhiều, nhưng có lẽ điều đáng nói hơn cả trong trường hợp của tớ là việc những gì tớ học từ bên ngoài và sách vở còn nhiều hơn so với những gì tớ có được từ những bài giảng. Bài viết này là những cảm nhận và kinh nghiệm mà tớ muốn chia sẽ về những năm du học ở đây.


Cơ hội tiếp cận thông tin


Từng học một năm đại học Việt Nam trước khi đặt chân sang đây, cảm nhận chung của tớ về sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục ở Việt Nam và phương Tây không phải ở phương thức giảng dạy mà là ở môi trường học. Tớ vẫn bắt gặp rất nhiều những lớp học mà không khí cũng không khác gì so với ở Việt Nam là mấy với hình ảnh thầy ghi và trò chép, nhưng một điều không thể phủ nhận là môi trường giáo dục ở đây đề cao tính tự học. Họ không cần phải kêu gọi học sinh “hãy tự học”, mà khơi dậy khả năng tự học bằng cách cung cấp tất cả những thông tin cần thiết để người học có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Không phải không có lý khi nói rằng “du học tức là tự học”, bởi chính ở phương Tây là nơi tốt nhất tạo điều kiện cho bạn “tự học”. Sẽ thật phí để bỏ tiền sang đây mà không tận dụng những điều kiện thuận lợi này.


One of art placements in my university

One of art placements in my university


Ngoài điều kết nối Internet cực kỳ nhanh (không mấy nơi trừ Nhật và Hàn Quốc mà bạn có thể một mình sở hữu đường truyền 5 MB/s - 10 MB/s với giá tương đối rẻ - khoảng 4 tô phở/tháng :), điều mà tớ thích khi ở bên này là điều kiện tiếp xúc nguồn sách vở và báo chí không giới hạn và tương đối rẻ so với mức sống. Bạn có thể tiếp cận không giới hạn đến tất cả các đầu sách được xuất bản trên thế giới thông qua các của hàng bán sách trực tuyến như Amazon (một điều mà những ai ở trong nước sẽ gặp khó khăn không những vì giá mà còn về việc phải gửi về Việt Nam thông qua hải quan). Ngoài ra, những tạp chí như TIME, Newsweek, The Economic, Fortune, National Geographic, SEED, Popular Mechanic không những mang tính chất giải trí mà còn đem lại nhiều kiến thức bổ ích.


Nếu bạn có nguồn thu nhập thêm thì những tạp chí này khá rẻ nếu đăng ký theo năm (ví dụ như tạp chí TIME đăng ký một năm với 1 số/tuần chỉ tốn $20, tức gần bằng một bữa ăn ngoài). Còn nếu bạn không có điều kiện đi làm thêm, hệ thống thư viện ở bên này sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu đọc của bạn chỉ với một mức phí hàng năm rất rẻ. Không giống các thư viện ở Việt Nam, hệ thống thư viện ở đây được kết nối tương đối chặt chẽ và thường xuyên được cập nhật (các báo hàng tuần đều có). Trong hai năm đầu ở đây, thư viện thành phố là nơi mà tớ thường xuyên ghé thăm.


Về chương trình học


Một điều mà tớ rất ấn tượng khi học ở bên này chương trình học được thiết kế để tạo cơ hội để bạn khám phá các bộ môn khác ngoài chuyên ngành. Nói một cách chính xác hơn, chọn học các môn học ngoài bộ môn chính của mình là một điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp. Với chương trình tổng cộng 40 môn, quy định của trường giới hạn bạn chỉ có thể chọn tối đa 20 môn thuộc chuyên ngành của mình. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải lựa chọn gần một nữa số môn còn lại từ những chuyên ngành khác. Những môn học này thường được thiết kế với mục đích chỉ để giới thiệu khái quát về mỗi bộ môn, thường không gây nhiều sức ép về khối lượng bài vở và được xem là tương đối dễ để kiếm điểm. Mặc dù tớ đã không làm được điều này bởi không có thói quen học bài kỹ, với tớ đây thật sự là một cơ hội để thử xem liệu mình có khả năng ở những lĩnh vực nào.


Có những lĩnh vực mà tớ có “cảm giác” rằng mình có thể có khả năng (như kinh tế, bởi tớ luôn thích thú khi đọc các tạp chí về kinh tế như Fortune, The Economic) nhưng qua quá trình học mới nhận thức rõ được hơn rằng “thích” không có nghĩa là mình có khả năng. Hay như về ước mơ làm nhà du hành vũ trụ hồi học lớp 1 - lớp 2 chỉ đến bây giờ tớ mới có cơ hội khám phá qua môn giới thiệu về Thiên Văn Học (và nhận ra rằng mình không có đủ kiên nhẫn để đi đo bóng mặt trời đúng 12:00 trưa mỗi sáng để biết góc nghiêng của trái đất so với mặt phẳng của hệ mặt trời). Và nhờ thử sức với những môn học xã hội mà tớ vốn có ấn tượng là sẽ nhàm chán như Nhăn Loại học (”Anthropology”), Triết học (”Philosophy”) hay Tâm Lý học (”Psychology”) tớ cũng đã biết được thêm nhiều kiến thức thú vị mà cho dù hiện tại tớ chẳng còn nhớ chút gì nhưng vẫn tin chắc rằng sẽ có ngày chúng sẽ trở nên có ích. Ngược lại, những môn khoa học vốn đã quá quen thuộc với chương trình học ở Việt Nam như Toán hay Hóa Học dù đạt điểm cao mà không cần đến lớp lại trở nên nhàm chán và không còn gây hứng thú như trước.


Thành thật là ban đầu tớ không khỏi cảm giác thất vọng khi không thể chuyển bớt học trình từ năm đầu đại học Việt Nam như một số bạn học chung để rút ngắn chương trình, nhưng giờ đây nhìn lại, có thể nói rằng đó cũng là một điều may mắn bởi nhờ đó tớ có cơ hội học được thêm nhiều thứ mà những môn học ở Việt Nam chắc chắn không thể cung cấp.


My Happy Day

My Happy Day


Nói về những môn chuyên ngành máy tính, hơi đáng tiếc là tớ lại không thật sự ấn tượng về chương trình ở đây. Mặc dù có thể chắn một điều là chương trình bên này thực tế và hiệu quả hơn nhiều so với chương trình ở Việt Nam, chúng không làm tớ thật sự bị cuốn hút. Với phần lớn những khóa học về máy tính ở đây, tớ hoàn toàn không thấy lợi ích của việc đến lớp khi mà tất cả những nội dung trên lớp đều có thể tự học và tìm hiểu ngay ở nhà. Ví dụ như ở các khóa học ở level 500 - tức cao nhất trong chương trình - có những môn về lập trình cao cấp (”Advance Programming”), những gì được dạy cũng chỉ là những kỹ thuật lập trình Java tương đối “đơn giản” như Reflection mà không có lý do gì bạn không thể tự học ở nhà. Mặc dù không phủ nhận rằng có một số môn học đã đem lại những kiến thức tương đối mới mẻ mà tớ chưa từng tìm hiểu qua như khóa học về cơ sở dữ liệu (cấu trúc file và nguyên tắc lưu trữ, cũng như các thuật toán tiếp cận dữ liệu của các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu), khái niệm lập trình hệ điều hành, thiết kế và đánh giá giao diện tương tác với người dùng, các khóa học về quản lý dự án phần mềm (ước đoán những nguy cơ cũng như đánh giá tiến độ); nhưng theo tớ, chương trình ở đây không thật sự mang tính thách thức mà có lẽ đóng vai trò định hướng nhiều hơn, chỉ bạn đến các lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực máy tính. Không phải là quá khi nói rằng phần lớn những kiến thức về khoa học máy tính mà tớ có ở đây chủ yếu là qua tự tìm hiểu, và cũng nhờ đó tớ đã khám phá thêm một lĩnh vực hoàn toàn không có trong chương trình: thiết kế web.


Để bạn có thể phần nào hình dung được chương trinh học của tớ, sau đây là những môn mà tớ đã học để hoàn thành chương trình của mình. Tớ không chia các môn này theo năm học, mà theo các nhóm các môn liên quan.


KINH TẾ (”ECONOMIC”)


Mặc dù vẫn biết rằng mình không phải là người có khả năng về kinh doanh (nếu không muốn nói là rất kém), tớ vẫn rất thu hút về những chủ đề thuộc lĩnh vực này. Vì vậy, trong số các môn học tùy chọn, kinh tế là môn mà tớ đi sâu vào tìm hiểu nhất, chiếm 1/4 tổng số môn tùy chọn. Kết quả của những khóa học này một lần nữa chứng minh rằng tớ thật sự không có “khiếu” về lĩnh vực này, nhưng dù sao những môn học này cũng đã đem lại những hiểu biết cơ bản.



  • ECON 201 - Kinh tế vi mô về các quy luật tiêu dùng, sảng xuất và trao đổi

  • ECON 203 - Kinh tế vĩ mô về hệ thống tiền tệ, ngân hàng, các chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia,…

  • ECON 303 - Các định luật kinh tế, giới thiệu về việc phân tích các vấn đề vĩ mô như thất nghiệp, xác định tỉ giá hối đoái, các hệ quả của các chính sách quản lý

  • ECON 311 - Ứng dụng của khoa học máy tính trong kinh tế

  • ECON 355 - Hệ thống tài chính chung của Canada, nói về những thể chế và nhân tố kinh tế đứng đằng sau các chính sách quản lý của nhà nước Canada về các khoảng chi và hệ thống thuế.

  • BSEN 291 - Giới thiệu về lĩnh vực thương mại, các chức năng và sự tích hợp của nó trong các lĩnh vực khác nhau.


KHOA HỌC TỰ NHIÊN (”SCIENCE”)



  • MATH 251, 221, 271: những môn không cần đến lớp

  • CHEM 209 - Hóa học: mặc dù đều là những kiến thức đã học, những buổi làm thí nghiệm vẫn là một thử thách bởi hệ thống phòng thí nghiệm ở đây khác xa so với những gì có ở các trường Việt Nam. Đặc biệt ấn tượng khi biết rằng vẫn có thể đạt điểm tối đa cho dù bài thí nghiệm của bạn sai be bét, miễn là bạn có thể lý giải được lý do tại sao.

  • STAT 211 - Khoa học thống kê: buồn ngủ

  • ASTR 205 - Thiên văn học: trái đất, hệ mặt trời, các vật thể vũ trụ và cả hố đen. Một trong những bài tập được ra trong suốt học kỳ là và mỗi buổi trưa bạn sẽ phải ra đo bóng mặt trời để cuối cùng có thể xác định góc nghiêng của trái đất.

  • BIOL 205, BIOL 305 - Sinh học cơ bản và Sinh học về cơ thể con người: cực kỳ thú vị về nội dung, nhưng từ vựng là một thử thách.


KHOA HỌC XÃ HỘI (”SOCIAL SCIENCE”)


Các môn học khoa học xã hội vốn chưa bao giờ là thế mạnh của tớ ở Việt Nam, và sang đây điều đó cũng không thay đổi là mấy. Tuy nhiên, chương trình những môn học này được thiết kế rất cuốn hút và bạn sẽ không thất vọng chút nào khi lấy những môn học này.



  • PHIL 279, PHIL 379 - Triết học: Mặc cho ấn tượng không hay về cái tên (những ai từng học ở Đại Học Việt Nam có lẽ hiểu), bộ môn Triết học ở bên này có một nội dung hoàn toàn khác, chủ yếu thiên về logic.

  • PSYC 205: Tâm lý học: giới thiệu về các quy luật, thuật ngữ và các phát hiện trong lĩnh vực này. Các chủ đề được đề cập bao gồm hành vi, nhận thức, khả năng học, nhớ & nhận biết, cảm xúc, tính cách…

  • ANTH 201, ANTH 203 - Nhân Loại học: bao gồm quá trình tiến hóa của loài người, cũng như những đặc điểm về xã hội và văn hóa của họ. Nếu như khóa học đầu tiên về quá trình tiến hóa của loài người tương đối chán và khó (bởi lượng từ vựng mới), khóa học kế sau về văn hóa và xã hội của loài người thật sự cung cấp những kiến thức thú vị, đặc biệt là về khía cạnh văn hóa, giúp bạn hiểu thêm về chính bản thân mình.

  • GEOG 205 - Địa lý.


KHOA HỌC MÁY TÍNH (”COMPUTER SCIENCE”)


Last time at the computer lab

Last time at the computer lab


Đây là những môn chuyên ngành của tớ, và như đã nói, chúng không thật sự cuốn hút tớ về nội dung. Một số môn học thậm chí không cần đến lớp bữa nào trong cả học kỳ vẫn đạt điểm cao, và hầu hết các môn bạn có thể tự học với định hướng cung cấp bởi chương trình từ đầu học kỳ. Điều đáng chú ý trong quá trình học các môn về khoa học máy tính ở đây không phải là về nội dung mà là sự liên kết giữa nó và những ứng dụng. Tuy không có môn nào thực sự đi sâu, ở mỗi môn đều luôn gắn kết với những ứng dụng có thể có của nó cho phép người học hiểu rõ kiến thức của mỗi môn đã và có thể được ứng dụng như thế nào. Ví dụ như khi học về hệ tự động (”automata”), bạn có thể thấy được nó sẽ được ứng dụng như thế nào trong cơ chế hoạt động của Regular Expression, hoặc trong cách mà trình duyệt tách cấu trúc của trang web để hiển thị. Hay như khi học về lý thuyết về hệ điều hành, những bài tập được ra hầu hết rất đơn giản (chủ yếu là viết phần mềm giả lập) nhưng qua đó giúp bạn hiểu được cách mà hệ điều hành hoạt động. Như đã đề cập, về nội dung, chương trình học không mang tính thách thức cao mà chủ yếu giới thiệu tổng quan về những khía cạnh khác nhau cũng như trang bị cho bạn những kiến thức cần thiết để có thể đi sâu hơn vào từng khía cạnh đó. Một điều đáng chú ý khác nữa là phần giới thiệu về mỗi khóa học đều có vẻ rất thú vị và khiến bạn muốn học để biết thêm về nó. Một ví dụ đơn giản, như môn học về ngôn ngữ Pascal (môn đầu tiên của chương trình) mà ai cũng chán:


CPSC 231 (Pascal) - Giới thiệu về kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích và thiết kế hệ thống tính toán ở quy mô nhỏ với ứng dụng sử dụng ngôn ngữ lập trình thủ tục.


Những giới thiệu như vậy đặc biệt khiến bất kỳ ai cũng tò mò và muốn học thử. Khi mà toàn bộ chương trình chuyên ngành chỉ có vài môn là bắt buộc, còn lại sinh viên có quyền tự chọn, thì có thể hiểu như là mỗi môn học đều phải cạnh tranh lẫn nhau, cố gắng để thu hút sinh viên chọn học môn đó. Trong phần này, một lần nữa tớ chia các môn học ra thành các cụm khác nhau theo đặc điểm của chúng:


NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH CƠ SỞ



  • CPSC 231 ngôn ngữ lập trình thủ tục (Pascal) & CPSC 233 Ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng (Java)

  • CPSC 265: Cấu trúc máy tính (SPARC Architecture) và ngôn ngữ lập trình bậc thấp

  • CPSC 325: Tương tác phần cứng và phần mềm (bạn viết trình điều khiển (”driver”) điều khiển màn hình và con chuột)

  • CPSC 349: Tìm hiểu các hệ ngôn ngữ lập trình khác - tìm hiểu các quy luật cơ bản của các hệ ngôn ngữ lập trình, trong đó chú trọng đến hệ chứ năng (Haskell) và logic (Prolog)


THUẬT TOÁN VÀ CẤU TRÚC DỮ LIỆU



  • CPSC 331, CPSC 335: Cấu trúc dữ liệu (array, list, stack, queue, graph, tree, hash table,…) và các thuật toán tương ứng (tìm kiếm, sắp xếp, duyệt) cũng như thời gian và mức độ hiệu quả của chúng.

  • CPSC 461: Cấu trúc file và các kỹ thuật truy cập, quản lý

  • CPSC 413: Các kỹ thuật Thiết kế và Phân tích thuật toán

  • CPSC 313: Khả năng tính toán (”Computability”), bao gồm các chủ đề1 về sequential computation finite automata, regular expression, turing machines and context-free grammars

  • CPSC 501: Các kỹ thuật lập trình cao cấp (bao gồm về Reflection, kỹ thuật tối ưu mã,…)


CÁC LĨNH VỰC TRONG KHOA HỌC MÁY TÍNH



  • CPSC 471: Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, bao gồm các cơ sở lý thuyết và kỹ thuật được sử dụng bởi các phần mềm CSDL để lưu trữ và truy cập thông tin, cũng như cấu trúc câu truy vấn dữ liệu và kỹ thuật tối ưu (trên hệ thống cơ sở dữ liệu IBM DB2)

  • CPSC 481: Tương tác giữa người và máy tính: Thiết kế và đánh giá giao diện người dùng

  • CPSC 457: Các quy luật cơ sở của hệ điều hành (đánh giá hiệu suất, các chương trình song song, quản lý thông tin, bộ nhớ và các nguồn xử lý)

  • CPSC 433: Trí tuệ nhân tạo - tớ bỏ môn này sau nữa học kỳ học.

  • CPSC 441: Hệ thống liên lạc giữa các máy tính (hay nói cách khác, là về hệ thống mạng máy tính)

  • CPSC 594: Dự án máy tính: Đây là một môn học đặc biệt dành cho sinh viên năm cuối (tùy chọn) - khóa học kéo dài nguyên môn năm học và nội dung là bạn sẽ phải tham gia thực hiện một dự án phần mềm có thật được đặt hàng.


QUẢN LÝ DỰ ÁN PHẦN MỀM



  • SENG 311 - Unified Modeling Language (UML)

  • SENG 421 - Lý thuyết, quá trình và ứng dụng của việc định lượng trong phần mềm cũng như quá trình phát triển

  • SENG 411 - Những đặc điểm và khía cạnh tổ chức trong các dự án phần mềm

  • SENG 513 - Hệ thống ứng đụng Web với Java


Tổng kết và nhìn về phía trước


Không chỉ là những bài học từ nhà trường và sách vở, khoảng thời gian hơn 5 năm vừa qua cũng chính là giai đoạn mà tự bản thân tớ đã thấy trưởng thành hơn rất nhiều, từ cách nhìn về bản thân cũng như những người mà mình tiếp xúc. Điều đó có lẽ đặc biệt đúng với những ai chưa từng sống xa nhà trước đó như trong trường hợp của tớ. Việc đi làm thêm ở ngoài không chỉ mang lại nguồn tài chính đáng kể để hỗ trợ cuộc sống bên này cũng như cuộc sống riêng, mà quan trọng hơn là nó còn mang lại niềm vui, những mối quan hệ mới và cả những kinh nghiệm sống.


With Everyone

Thank you all of my "mothers in law"


Cuối cùng, sẽ là rất thiếu sót nếu không nói lời cảm ơn đến ba mẹ đã tạo điều kiện để cho tớ có cơ hội được đi du học - một điều mà không phải ai cũng may mắn có được. Việc đi du học không chỉ là một cơ hội để tiếp cận với một hệ thống giáo dục tốt hơn, mà quan trọng hơn, đó là cơ hội để bạn bước chân ra thế giới bên ngoài, được nhìn thấy một cách suy nghĩ khác, một nền văn hóa khác và tớ không thể không đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của điều đó. Nó dạy cho tớ thấy rằng đừng bao giờ áp đặt cách suy nghĩ của mình lên mọi thứ, đừng bao giờ luôn cho rằng mình đúng, mà hãy chấp nhận rằng sẽ có những điều khác với cách suy nghĩ của mình, và rằng nó không hẳn là sai hay xấu xa. Nếu như cần có một điều tổng kết tất cả những gì tớ học được trong thời gian ở đây, đó chính là điều mà tớ muốn nói.


Còn về tương lai? Vẫn chưa thể nói gì nhiều về những gì đang chờ đợi trong tương lai xa, nhưng kế hoạch kế tiếp của tớ là sẽ ở lại đây thêm vài tháng (dự định để dự lễ tốt nghiệp của em tớ) và sau đó sẽ về nước và bắt đầu quá trình tìm việc.


Chú Thích Trong Bài:

  1. các thuật ngữ được giữ ở tiếng Anh vì tớ không thể tìm được một cách dịch tiếng Việt thỏa mãn

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.nguoitapviet.info/2009/06/18/1458/

No comments:

Post a Comment

Popular Posts