Có cơ hội chơi với nhiều người trong cả hai giới công nghệ và kinh doanh, trao đổi về các dự án ý tưởng, tôi nhận thấy có một sự khác biệt rõ nét trong suy nghĩ của những con người thuộc hai thế giới này.
Đối với dân kinh doanh, trước một công nghệ mới, họ thường suy nghĩ chỉ cần tìm hiểu sơ qua về công nghệ này để xem có thể ứng dụng tạo thành những ý tưởng thế nào kinh doanh được là ok. Điều này nghe có vẻ rất hợp lý nhưng tôi có cảm giác một điều gì đó không ổn. Có lẽ điều này chỉ đúng cho những công nghệ đơn giản, còn với những công nghệ phức tạp thì tôi nghĩ phải thực sự là người trong cuộc mới có thể hiểu sâu mọi khía cạnh của vấn đề. Ngoài ra thêm một điều nữa là dân kinh doanh cũng hay có suy nghĩ ý tưởng kinh doanh là cái quan trọng, còn công nghệ chỉ là yếu tố phụ, cứ thuê mấy người coder trung bình là dư sức làm rồi ;)). Điều này dễ dẫn tới những ứng dụng cũng có một kiến trúc ...trung bình, không vững chắc và dễ vỡ. Tôi đã chứng kiến một số công ty thất bại với cách suy nghĩ như vậy.
Còn đối với dân công nghệ, trước một công nghệ mới, họ thường tìm hiểu về những yếu tố mới do công nghệ này đem lại so với công nghệ cũ. Rồi họ suy nghĩ với yếu tố mới này thì liệu mình có thể tạo nên được những ứng dụng với những tính năng ưu việt thế nào so với những cái hiện có. Và thế là họ sẵn sàng bắt tay vào làm mà ít để ý tới việc đầu ra của sản phẩm có bán được hay không. Đa phần những giải pháp này mang tính chờ thời là chủ yếu và thành công đến được với sản phẩm có lẽ cũng phần nhiều nhờ yếu tố may mắn.
Từ hai hướng suy nghĩ khác nhau ở trên, tôi nhận thấy để có được những dự án công nghệ với khả năng thành công cao nhất, thì rất cần những người có khả năng kết hợp được những điểm mạnh của hai hướng này. Đó là những con người với một tầm nhìn về kinh doanh sâu sắc đồng thời am hiểu về công nghệ để có thể vẽ ra được một kiến trúc ứng dụng vững chắc cho cấp dưới triển khai.
Xét về tình hình thực tế hiện nay thì đa phần những người đáp ứng được tiêu chí trên đều xuất phát từ dân công nghệ với một sự nhạy bén trong kinh doanh. Họ từng bước xây dựng sản phẩm cốt lõi, tổ chức bộ máy nhân sự và thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực thế mạnh của mình. Còn dân kinh doanh nếu đi theo cách tự làm như này sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi họ không đủ mức độ am hiểu như những người công nghệ, rốt cục những người kinh doanh làm công nghệ thành công đa phần đều xuất phát từ những sản phẩm phân phối lại của nước ngoài.
Từ đây tôi nhận ra một bài học, với những team start-up ban đầu rất cần hiểu rõ những thế mạnh của mình để có thể tận dụng tốt nhất những ưu điểm trước các đối thủ. Một team công nghệ không thể lấy yếu tố kinh doanh làm lợi thế và ngược lại một team về kinh doanh không thể quá chủ quan về mặt công nghệ. Tất nhiên cả hai đều phải nỗ lực để có thể kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này. Đến một lúc nào đó vượt qua được một ngưỡng thành công nhất định thì sự khác biệt này không còn quan trọng nữa bởi họ đã có đủ sức và thế để tìm những đối tác bổ sung cho mình :)
Xem đầy đủ bài viết tại http://ngonpham.blogspot.com/2009/08/su-khac-biet-giua-dan-cong-nghe-va-kinh.html
No comments:
Post a Comment